Thế khó của bóng chuyền Hà Nội

Thế khó của bóng chuyền Hà Nội
14 giờ trướcBài gốc
“Cái khó bó cái khôn” khiến bóng chuyền Hà Nội có thể trắng tên trên bản đồ bóng chuyền đỉnh cao Việt Nam năm tới.
Các cầu thủ Hà Nội (áo vàng) thi đấu nỗ lực ở giai đoạn 1, Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025. Ảnh: Y Vân
Chìm nơi đáy bảng
Năm 2023, bóng chuyền Hà Nội được hưởng niềm vui lớn khi cả đội nam và nữ thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội) thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đều góp mặt ở sân chơi cao nhất của bóng chuyền quốc gia - Giải bóng chuyền vô địch quốc gia. Tuy nhiên, đến mùa giải 2024, đội bóng chuyền nữ Hà Nội đã phải xuống hạng và đội nam chỉ chắc suất trụ lại hạng đấu cao nhất sau vòng đấu tranh vé trụ hạng.
Khi đó, lý do khiến đội nữ Hà Nội phải xuống hạng đã được chỉ ra, đó là thiếu kinh phí và thiếu con người để trụ vững ở sân chơi khắc nghiệt như Giải vô địch quốc gia. Dàn cầu thủ trẻ, “cây nhà lá vườn” do chính câu lạc bộ tự đào tạo với độ tuổi trung bình dưới 20 thực sự non nớt, cần có những cầu thủ giàu kinh nghiệm, cầu thủ ngoại dẫn dắt, đồng hành trên sân đấu. Và, khi không hội đủ điều kiện đó, do thiếu kinh phí thuê/ mua cầu thủ giàu kinh nghiệm, đội nữ Hà Nội phải chấp nhận cảnh xuống hạng.
Bài toán của đội bóng chuyền nữ Hà Nội cũng là của đội nam Hà Nội. Có chăng, dàn cầu thủ nam của Hà Nội dày dạn kinh nghiệm trận mạc hơn nên liên tiếp trụ hạng thành công.
Nhưng vấn đề của đội vẫn còn đó: Thiếu kinh phí thuê cầu thủ ngoại chất lượng trong khi các đội khác dự giải vô địch quốc gia đều sở hữu 1 - 2 cầu thủ ngoại ấn tượng. Đó là thực trạng đáng tiếc với bóng chuyền Hà Nội khi không có nhà tài trợ, chỉ trông vào nguồn kinh phí từ ngân sách. Mà trong các khoản chi từ ngân sách thì không có hạng mục cho thuê cầu thủ nước ngoài nên đội đành phải trông cậy vào dàn cầu thủ nội, dù, tất cả đều hiểu rằng chỉ cần một cầu thủ ngoại chất lượng cao trong đội hình cũng có thể giúp họ xoay chuyển cục diện trận đấu trước những đội khác.
Đến mùa bóng năm nay, dự báo về sự chênh lệch khi có cầu thủ ngoại và không có cầu thủ ngoại trong đội hình ngày càng thấy rõ qua kết quả thi đấu của đội nam Hà Nội tại giai đoạn 1 Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025. Không hơn các đội khác về chất lượng nội binh, lại không có ngoại binh, cộng thêm việc trụ cột Vũ Ngọc Hoàng không thể thi đấu vì chấn thương nên đội nam Hà Nội chịu thua cả 5 trận ở giai đoạn 1, chìm sâu ở cuối bảng xếp hạng.
Làm cách nào để vượt khó?
Trưởng bộ môn bóng chuyền - bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội) Bùi Đình Lợi từng nhiều lần chia sẻ rằng, để thoát khỏi thế khó về kinh phí, con người, thì phải có thêm kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Nguồn kinh phí ấy có thể giúp tăng mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng cho các cầu thủ, để họ không phải mang tiếng “nhà nghèo”, có mức thu nhập thấp nhất trong làng bóng chuyền đỉnh cao Việt Nam. Nguồn kinh phí ấy cũng có thể dành để thuê cầu thủ ngoại nhằm san lấp khoảng cách với các đội khác. Rất tiếc là do khâu truyền thông, tiếp thị của đội còn hạn chế nên việc thu hút đầu tư bị hạn chế. Cách đây vài tháng, tưởng như đội có thể “nên duyên” với một ngân hàng nhưng đến phút cuối việc lại không thành hiện thực do các bên không thể tìm tiếng nói chung trong cách đầu tư.
Đến lúc này, bài toán khó về kinh phí vẫn hiển hiện trước đội bóng chuyền nam Hà Nội. Dàn cầu thủ nội của đội vẫn thi đấu tốt, được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng lại không thể vượt qua các đối thủ vì thiếu cầu thủ ngoại đủ sức làm điểm tựa cho đội trong những thời khắc khó khăn. Ngay người trong cuộc cũng phải thừa nhận là chưa bao giờ đội gặp khó khăn như lúc này. Và, cũng chưa bao giờ nguy cơ xuống hạng lớn như hiện nay.
Điều được chờ đợi lúc này là sự ra đời của Liên đoàn Bóng chuyền Hà Nội, qua đó có thể giúp các đội bóng thu hút nguồn lực xã hội hóa. Hầu hết các khâu chuẩn bị cần có cho việc thành lập Liên đoàn hiện đã hoàn thành, đặc biệt là về đội ngũ nhân sự, chỉ còn chờ quyết định thành lập Liên đoàn từ cơ quan có thẩm quyền. Nếu quá trình này diễn ra càng lâu, hy vọng thoát khỏi thế khó hiện nay càng vơi.
Tất nhiên, ngoài việc thành lập Liên đoàn, bóng chuyền Hà Nội vẫn cần đến sự tiếp sức từ chính các đơn vị chủ quản, cũng như giữ động lực vươn lên từ chính trong nội bộ các đội bóng.
Minh Hà
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/the-kho-cua-bong-chuyen-ha-noi-697996.html