Thể lệ Cuộc thi như sau:
1. Tên gọi, chủ đề Cuộc thi
- Tên gọi: Cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).
- Chủ đề: “50 năm vang mãi bản hùng ca toàn thắng”.
2. Đối tượng dự thi: Cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong Quân đội (khuyến khích có sự tham gia của các đơn vị kết nghĩa). Mỗi tác giả, nhóm tác giả có thể dự thi nhiều bài thi.
3. Hình thức: Thi viết.
4. Nội dung thi: Các tác giả (nhóm tác giả) phải trả lời đầy đủ, đúng thứ tự 10 câu hỏi sau đây:
Câu 1: Trung ương Cục miền Nam ra đời trong hoàn cảnh nào? Vai trò của Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?
Câu 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đồng chí (anh, chị) hãy cho biết hoàn cảnh và ý nghĩa của lời kêu gọi đó đối với việc xác định đường lối lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?
Câu 3: Đồng chí (anh, chị) hãy cho biết hoàn cảnh ra đời câu nói “miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò của hậu phương lớn miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?
Câu 4: Đồng chí (anh, chị) hãy cho biết những thắng lợi tiêu biểu của quân và dân ta góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ và tay sai (1954 -1975)?
Câu 5: Đồng chí (anh, chị) hãy cho biết ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?
Câu 6: Đồng chí (anh, chị) hãy cho biết có mấy Quân đoàn (tương đương Quân đoàn) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh? Đó là những Quân đoàn nào? Chiến công nổi bật của từng Quân đoàn?
Câu 7: Mệnh lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” ra đời trong hoàn cảnh nào? Giá trị lịch sử của lời “Hịch” đó với đại thắng mùa Xuân năm 1975?
Câu 8: Đồng chí (anh, chị) hãy trình bày những hiểu biết về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và nghệ thuật quân sự của cha ông ta được kết tinh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước?
Câu 9: Trong Đại thắng mùa Xuân 1975, có một chiến công đặc biệt xuất sắc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc - đó là chiến công nào? Trách nhiệm của thanh niên Quân đội và thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc hiện nay?
Câu 10: Đồng chí (anh, chị) hãy trình bày cảm nhận về Chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975 - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và trách nhiệm của cá nhân trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quyết tâm “xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng” (không quá 5.000 từ).
5. Quy định về bài dự thi
- Bài dự thi trả lời đầy đủ, đúng thứ tự 10 câu hỏi do Ban Tổ chức công bố tại buổi phát động Cuộc thi.
- Mỗi tác giả (nhóm tác giả) có thể gửi nhiều bài thi. Đối với nhóm tác giả không quá 05 người.
- Bài thi sử dụng tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy; khuyến khích các bài thi có sự phối hợp, tham gia của các đơn vị kết nghĩa và đầu tư công phu, sâu sắc về nội dung, sáng tạo về hình thức, trình bày khoa học, sử dụng công nghệ số, hình ảnh, tư liệu minh họa hợp lý, liên hệ, vận dụng sát với cương vị, chức trách cá nhân và thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Bài dự thi chưa được công bố trên các báo, tạp chí và phương tiện thông tin đại chúng; tỷ lệ trùng lặp với các bài viết, tác phẩm đã được công bố không quá 20%.
- Bài thi không được sao chép của người khác dưới mọi hình thức; nếu trích dẫn nội dung, hình ảnh, tư liệu minh họa phải chú thích rõ ràng. Sáng kiến, mô hình, điển hình tiêu biểu là người thật, việc thật, có địa chỉ cụ thể, không hư cấu.
- Ngoài bìa bài thi ghi rõ: “Bài dự thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025)”; thông tin tác giả (nhóm tác giả), gồm: Họ và tên; tuổi, giới tính, dân tộc; cấp bậc (nếu là quân nhân); chức vụ (chính quyền, đoàn thể); tên cơ quan, đơn vị, địa phương; số điện thoại liên hệ.
- Thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin cung cấp cho Ban Tổ chức. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm pháp lý nếu phát sinh bất cứ vấn đề nào liên quan đến bản quyền của các yếu tố được sử dụng trong bài dự thi. Bài dự thi vi phạm bản quyền sẽ bị loại khỏi Cuộc thi hoặc bị thu hồi giải thưởng (nếu phát hiện sau khi đã trao giải).
- Ban Tổ chức sẽ cung cấp những thông tin, tư liệu cần thiết cho người dự thi nghiên cứu, tham khảo trên Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội và hệ thống báo chí của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ tháng 01-2025.
6. Quy định về gửi, tiếp nhận bài dự thi
- Thí sinh gửi bài dự thi từ cấp cơ sở trở lên; những bài thi có chất lượng tốt được lựa chọn dự thi ở cấp cao hơn đến cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng.
- Ban Tổ chức Cuộc thi chỉ tiếp nhận các bài dự thi do cơ quan chính trị các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng chọn, gửi.
- Hồ sơ dự thi cấp toàn quân gồm:
+ Công văn về việc tham gia Cuộc thi cấp toàn quân.
+ Danh sách bài dự thi (ghi chú kết quả thi cấp tổ chức từ cao xuống thấp).
+ Các bài dự thi.
- Thời gian nhận hồ sơ dự thi cấp toàn quân từ ngày 1-3 đến 15-3-2025 (tính theo dấu bưu điện hoặc ngày trực tiếp nhận bàn giao hồ sơ).
- Các bài dự thi (bản in, mô hình) gửi về Bảo tàng Chiến thắng B52 (số 157, phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội). Chi tiết liên hệ đồng chí Thượng úy Phạm Tuấn Hưng, cán bộ Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, ĐT: 0343.491.105.
Lưu ý: Các bài thi dạng văn bản giấy phải được đóng vào phong bì thẳng, không cuộn tròn hoặc gấp nhỏ.
- Công văn, danh sách và file word các bài dự thi gửi về Ban Thanh niên Quân đội (số 2 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và địa chỉ mail: Cuocthitimhieu50namgpmntndn@gmail.com.
CHIẾN VĂN