Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
"Gửi tới nhiều nhà đầu tư đang đổ tiền vào Mỹ với số tiền lớn, chính sách của tôi sẽ không bao giờ thay đổi", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên nền tảng Truth Social sau khi công bố mức thuế đối ứng hôm 2/4.
Và chỉ có vậy. Chính sách thuế đối ứng của Nhà Trắng kéo dài chưa đầy một tuần, chứ chưa nói tới "không bao giờ thay đổi". Chỉ 13 giờ sau khi mức thuế quan có đi có lại bắt đầu có hiệu lực hôm 9/4 (theo giờ Mỹ), ông Trump đảo ngược chính sách, triển khai lệnh tạm dừng trong 90 ngày.
Tuy nhiên, Nhà Trắng quyết định giữ nguyên mức thuế cơ sở 10% với hầu hết quốc gia, và mức thuế đối ứng với Trung Quốc tăng vọt lên 125%.
"Thế lực" không tổng thống nào có thể làm ngơ
Theo Channel NewsAsia, ngay cả với một tổng thống nổi tiếng xoay chuyển chính sách liên tục, thông báo hoãn thuế đối ứng vẫn là bước đi đầy bất ngờ, khi nhiều ngày chịu sức nặng từ đảng Cộng hòa, doanh nghiệp và thậm chí những đồng minh thân thiết cũng không khiến ông Trump lay chuyển. Quyết định thậm chí được đưa ra giữa lúc Đại diện thương mại Jamieson Greer đang điều trần tại Quốc hội để bảo vệ chính sách thuế quan, và dường như ông Greer cũng bị "đánh úp".
Tuy nhiên, chính thị trường đã thuyết phục được ông chủ Nhà Trắng.
Trước thông báo tạm hoãn, thị trường chứng khoán Mỹ mất hàng nghìn tỷ USD, trong khi trái phiếu - vốn là nơi trú ẩn an toàn cho giới đầu tư - chịu ảnh hưởng mạnh qua đợt bán tháo. Đó là lúc ông Trump phải nghĩ lại.
Việc Bộ Tài chính Mỹ ngày càng lo ngại về diễn biến trên thị trường trái phiếu là yếu tố chính khiến ông Trump suy nghĩ. Ảnh: New York Times.
CNN dẫn 3 nguồn tin cho hay việc Bộ Tài chính Mỹ ngày càng lo ngại về diễn biến trên thị trường trái phiếu là yếu tố chính khiến ông Trump suy nghĩ. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã trực tiếp nêu vấn đề trong một cuộc họp, nhấn mạnh các quan chức kinh tế Nhà Trắng cũng lo lắng không kém.
Tới chiều 9/4, vị tổng thống thừa nhận đã theo dõi chặt chẽ tình hình hỗn loạn của thị trường trái phiếu. "Đêm qua mọi người có chút lo lắng. Tôi đã theo dõi thị trường trái phiếu", ông Trump nói.
Ngay sau khi ông Trump đảo ngược chính sách, thị trường đã khởi sắc.
Ông Trump có thể đã khiến nhiều người phải dựa theo ý mình, nhưng thị trường đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: Nếu bị đẩy quá giới hạn, thị trường sẽ phản kháng ngược lại.
Dù ông Trump có cứng rắn và khó đoán tới đâu, thị trường vẫn là "hàng rào bảo vệ" mạnh mẽ nhất trước quyền lực tổng thống - một thế lực không chính quyền nào có thể phớt lờ quá lâu.
"Cả hai đều có thể xảy ra", ông Trump đáp khi được hỏi liệu sẽ áp đặt thuế quan vĩnh viễn hay có thể thương lượng được.
Dẫu vậy, thị trường không thể vin vào câu trả lời nước đôi này.
Nếu mục tiêu của thuế quan là buộc hoạt động sản xuất quay về Mỹ, thì dù các đối tác thương mại nhượng bộ hay thị trường có phản ứng ra sao, ông Trump cũng sẽ không mảy may suy nghĩ. Và nếu mục tiêu là “ăn miếng trả miếng” với các rào cản thương mại với Mỹ, thuế quan sẽ được gỡ bỏ nếu các bên đạt được thỏa thuận. Song cho đến nay, chưa có thỏa thuận nào nằm trên giấy.
Rốt cuộc, thế giới vẫn chưa thực sự thấu hiểu nguyên tắc nào đang điều hướng chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump. "Với một tổng thống cùng lúc tin vào hai điều mâu thuẫn nhau, việc ông ấy thay đổi chính sách đột ngột cũng chẳng có gì lạ", tiến sĩ Deborah Elms - Trưởng bộ phận Chính sách thương mại Quỹ Hinrich - nói.
Các đòn thuế kích hoạt làn sóng bán tháo dữ dội trên thị trường trái phiếu chính phủ và đồng USD - vốn thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong khủng hoảng. Ảnh: New York Times.
Chưa thể thở phào
Việc thị trường tăng điểm cho thấy giới đầu tư tin tưởng về sau cùng, Nhà Trắng sẽ gỡ bỏ thuế quan. Song đây có thể là đánh giá chưa chính xác.
Thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc - kèm theo đòn trả đũa từ phía Bắc Kinh - chính là yếu tố gây hại kinh tế lớn nhất. Song, thị trường dường như không mấy chú ý đến việc một số mức thuế vẫn còn nguyên.
“Trung Quốc đã thách thức ông Trump hai điều”, John Holden - người đứng đầu công ty tư vấn địa chiến lược McLarty Associates tại Trung Quốc - giải thích. “Đầu tiên, họ không giải quyết điểm nóng fentanyl như Trump yêu cầu. Thứ hai, họ nhanh chóng và thách thức trả đũa đòn thuế quan”.
Tiến sĩ Taimur Baig - Tổng giám đốc kiêm nhà kinh tế trưởng tại DBS - đồng tình cảm giác thở phào sau tuyên bố hoãn thuế sẽ không kéo dài, vì "nhiều mức thuế quan theo ngành, gồm cả dược phẩm và chất bán dẫn có thể sắp có hiệu lực".
Hiện tại, câu hỏi đặt ra là các quốc gia khác sẽ noi gương Trung Quốc trả đũa thuế quan hay sẽ “dính bẫy” của ông Trump, tin rằng hoãn thuế là dấu hiệu thiện chí? Theo chuyên gia về chính trị Mỹ Steven Okun, các nước không nên rơi vào cái bẫy này, không nên vì động thái tạm hoãn mà thiếu cảnh giác.
"Chúng ta đang sống trong một thời kỳ vĩ mô và địa chính trị phức tạp bậc nhất. Tuy lần này thị trường can thiệp thành công, những mức thuế gây ảnh hưởng lớn nhất vẫn còn đó. Các nhà đầu tư và quan chức chính phủ không nên quá tự tin thị trường sẽ làm được điều đó thêm nữa", ông nhận định.
Trí Ân