Thế mạnh của tân Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk

Thế mạnh của tân Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk
2 giờ trướcBài gốc
Sau khi hoàn tất sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, 4 tỉnh, thành phố mới là Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai và Đắk Lắk đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo, trong đó nổi bật là các Bí thư và Chủ tịch tỉnh - những người có lý lịch chính trị vững vàng, phong cách điều hành thực tiễn và năng lực điều hành được kiểm chứng qua nhiều cương vị.
Đội ngũ này là sự kết hợp hài hòa giữa cán bộ bản địa và Trung ương, giữa chuyên gia tài chính – công nghệ và lãnh đạo am hiểu thực tiễn, tạo nền tảng quan trọng để ổn định bộ máy và thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới.
Đà Nẵng có 1 ủy viên Trung ương, 1 ủy viên dự khuyết
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng mới, sinh năm 1969, quê quán ở Hải Phòng, trình độ tiến sĩ Luật và hiện là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Trước khi giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng mới, ông trải qua nhiều vị trí quan trọng như Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũ.
Quá trình công tác, ông Quảng đã để lại nhiều dấu ấn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP Đà Nẵng như: Thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, các chính sách an sinh cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (mới). Ảnh: Hồ Giáp
Ông cũng đặc biệt chú trọng tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý đất đai, định hướng cơ chế và chính sách phát triển mới cho TP, nhấn mạnh việc xử lý phải linh hoạt, “không máy móc”, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và người dân, chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo...
Trong khi đó, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch TP Đà Nẵng, sinh năm 1976, từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng (cũ); Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Ông có trình độ thạc sĩ Quản trị kinh doanh, kỹ sư Công nghệ silicat và hiện là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Trong thời gian làm Bí thư Quảng Nam, ông Triết để lại nhiều dấu ấn trong xây dựng Đảng với trọng tâm theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mới. Ảnh: Hồ Giáp
Ông chỉ đạo khảo sát, đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, khu tái định cư, giải phóng mặt bằng và chương trình xóa nhà tạm tại các địa phương trọng điểm. Ông Triết thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, đặc biệt là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, khẳng định thành công của tỉnh bắt đầu từ từng hộ gia đình và cán bộ địa phương...
Quảng Ngãi: Nữ Bí thư 7X
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân sinh năm 1974, quê TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi cũ), có trình độ thạc sĩ Lý luận Văn học.
Nữ Bí thư là cán bộ trưởng thành tại địa phương và kinh qua nhiều vị trí quan trọng. Bà Vân bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1995 tại Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, từng đảm nhiệm các vị trí: Bí thư Tỉnh đoàn, Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tháng 8/2020, bà trở thành nữ Bí thư đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi (cũ), đồng thời cũng là nữ Bí thư duy nhất tại miền Trung thời điểm đó. Bà Vân là ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 (dự khuyết) và khóa 13.
Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi (mới) phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hà Nam
Bà Vân được đánh giá cao về phong cách quyết liệt, rõ ràng. Dưới sự dẫn dắt của bà, Quảng Ngãi chuyển mình mạnh mẽ: Công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 80% cơ cấu kinh tế; địa phương là một trong những tỉnh công nghiệp trọng điểm khu vực; quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 4 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 23 cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; thu ngân sách vượt kế hoạch nhiều năm liền.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang sinh năm 1971, quê TP Hải Phòng, có học vị tiến sĩ Kinh tế.
Ông Giang từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng Trung ương Đảng, Vụ trưởng - thư ký Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình.
Tháng 6/2020, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Tháng 7/2024, ông được điều động làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (cũ) và sau đó được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh này vào tháng 8/2024.
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (mới). Ảnh: Hà Nam
Ngay sau khi nhậm chức, ông Giang đã trực tiếp kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm và yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ông cảnh báo sẽ “thay tướng” nếu các chủ đầu tư tiếp tục trì trệ.
Ông Giang cũng đề cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát chi tiêu công.
Với nền tảng kinh nghiệm dày dạn ở cả trung ương và địa phương, ông Giang nhanh chóng hòa nhập, cùng tập thể lãnh đạo Quảng Ngãi duy trì đà tăng trưởng. Năm 2024, giữa bối cảnh có nhiều biến động, Quảng Ngãi vẫn giữ nhịp phát triển ổn định, thu ngân sách vượt dự toán; tình hình an sinh xã hội, giáo dục, môi trường đều có tiến bộ.
Gia Lai
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng, sinh năm 1966, quê quán huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, trình độ thạc sĩ Luật và hiện là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Trước khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy vào năm 2020, ông Dũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Ông Dũng để lại nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và cải cách hành chính. Trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Dũng tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp và vốn đầu tư.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư tỉnh ủy Gia Lai (mới). Ảnh: Hà Nam
Ông cũng đặc biệt quan tâm tới phát triển hạ tầng giao thông và đô thị, thúc đẩy nhiều dự án trọng điểm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...
Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn sinh năm 1973 tại Hà Tĩnh, trình độ tiến sĩ chuyên ngành Tài chính.
Ông Tuấn có thời gian dài gắn bó với lĩnh vực bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông. Ông từng đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tháng 9/2022, ông được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định với tỷ lệ 100% đại biểu tán thành.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (mới). Ảnh: Hà Nam
Trên cương vị Chủ tịch tỉnh Bình Định, ông nổi bật với phong cách lãnh đạo “nói là làm”, để lại dấu ấn đậm nét trong công tác điều hành, đặc biệt trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư.
Ông thường xuyên làm việc với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Định.
Người đứng đầu UBND tỉnh nhấn mạnh tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư và coi du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, qua đó góp phần thu hút hàng loạt dự án quy mô lớn.
Ông Tuấn còn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số, nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phần mềm và dịch vụ số.
Đắk Lắk
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung sinh năm 1973, quê quán xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; trình độ thạc sĩ Hành chính công, thạc sĩ Kinh tế và là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Ông có thời gian gắn bó với tỉnh Đắk Nông và từng giữ các chức vụ: Phó giám đốc Sở Tư pháp, Phó bí thư thường trực huyện ủy Krông Nô, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngày 7/5/2021, Bộ Chính trị điều động, phân công ông tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, trao quyết định cho nhân sự chủ chốt của tỉnh Đắk Lắk (mới). Ảnh: Hải Dương
Ông Nguyễn Đình Trung được đánh giá là một cán bộ trẻ, trưởng thành từ cơ sở và rất có năng lực, có thể quản lý, điều hành nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Trung để lại dấu ấn khi chỉ đạo rà soát, cập nhật số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách đầy đủ, chính xác, làm cơ sở để triển khai chính sách an sinh xã hội hiệu quả.
Ông cũng chỉ đạo rất quyết liệt trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và được lãnh đạo cấp ủy chính quyền và bà con nhân dân nhiệt tình ủng hộ...
Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk Tạ Anh Tuấn sinh năm 1969, quê quán xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội; trình độ thạc sĩ Tài chính.
Ông Tuấn có thời gian dài gắn bó với ngành tài chính và từng giữ các chức vụ quan trọng: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tài chính, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước. Tháng 7/2020, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (mới) phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hải Dương
Đến tháng 11/2022, ông Tạ Anh Tuấn được Ban Bí thư chỉ định tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong thời gian giữ chức vụ ở tỉnh Phú Yên, ông Tạ Anh Tuấn từng để lại dấu ấn trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thông nguồn lực xã hội...
Đáng chú ý, ông đã chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ; phân công nhiệm vụ cho cấp dưới theo tinh thần 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ kết quả...
Ngoài ra, ông cũng khẳng định Phú Yên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài lĩnh vực đầu tư du lịch - dịch vụ, Phú Yên đang kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực của UAE đầu tư vào các lĩnh vực như hạ tầng, lọc hóa dầu, năng lượng, logistics…
Hà Nam
Hồ Giáp
Nguyễn Hiền
Hải Dương
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/the-manh-cua-tan-bi-thu-chu-tich-da-nang-quang-ngai-gia-lai-dak-lak-2416640.html