Tòa nhà tại Tel Aviv (Israel) bị phá hủy sau cuộc tấn công tên lửa của Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Thông tin trên do tờ The Telegraph (Anh) đưa ra dựa theo dữ liệu vệ tinh do Đại học Oregon (Mỹ) chia sẻ. Theo phân tích của The Telegraph, tên lửa Iran đã xuyên thủng hệ thống phòng không của Israel và đạt đến đỉnh điểm vào ngày thứ 7 của cuộc chiến khi 16% trong số đó rơi vào lãnh thổ Israel, sau đó giảm dần.
Tờ The Times of Israel đưa tin, các cơ sở trúng tên lửa bao gồm căn cứ không quân Tel Nof, căn cứ tình báo Glilot, địa điểm sản xuất vũ khí và thiết giáp Zipporit. Chi tiết về các cuộc tấn công vào các căn cứ của IDF đang được kiểm duyệt quân sự tại Israel.
IDF bình luận với The Telegraph: "Điều chúng tôi có thể khẳng định là tất cả các đơn vị liên quan đều duy trì hoạt động liên tục trong suốt chiến dịch".
Theo Press TV (Iran), quân đội Israel không tiết lộ thông tin này do luật kiểm duyệt nghiêm ngặt. Quân đội Israel cũng từ chối bình luận khi được The Telegraph liên hệ. Luật kiểm duyệt quân sự ở Israel hạn chế công bố thông tin an ninh nhạy cảm, đặc biệt là trong các cuộc xung đột đang diễn ra.
Trong căng thẳng kéo dài từ ngày 13/6 đến 24/6, các quan chức Israel và Mỹ tuyên bố 84% tên lửa của Iran bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không của Israel và Mỹ.
Tuy nhiên, theo The Telegraph, phân tích dữ liệu cho thấy thực chất có nhiều tên lửa của Iran đã xuyên thủng thành công hệ thống phòng không Israel trong 8 ngày đầu căng thẳng quân sự.
Các nhà phân tích cho rằng điều này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như nguồn cung tên lửa đánh chặn hạn chế, công nghệ tinh vi hơn của Iran hoặc những thay đổi trong chiến lược tấn công. Iran đã sử dụng thiết bị bay không người lái và tên lửa phối hợp để áp đảo hệ thống phòng không của Israel. Sử dụng thiết bị bay không người lái cảm tử cũng góp phần gây nhầm lẫn cho các hệ thống và tạo cơ hội để nhiều tên lửa xâm nhập hơn.
The Telegraph trích dẫn lời một quan chức cấp cao của Iran đánh giá rằng việc sử dụng thiết bị bay không người lái cảm tử kết hợp với tên lửa là một chiến lược có chủ đích nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel.
Vị quan chức giấu tên này phân tích: "Mục tiêu chính của việc phóng thiết bị bay không người lái là khiến cho hệ thống của Israel bận rộn. Nhiều thiết bị bay không người lái thậm chí khi bị đánh chặn vẫn có thể tung hỏa mù".
Hệ thống phòng không Israel đánh chặn tên lửa tấn công vào Tel Aviv, ngày 19/6. Ảnh: THX/TTXVN
Israel từ lâu tuyên bố rằng Iran là mối đe dọa hiện hữu số một của nước này. Dù vậy, Israel chưa bao giờ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Đến ngày 13/6, Tel Aviv đã vượt qua lằn ranh đỏ đó khi IDF phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhắm vào hàng loạt mục tiêu chiến lược tại Iran, trong đó có các cơ sở hạt nhân, căn cứ quân sự. Israel nêu bật rằng mục đích của chiến dịch là ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến dịch tấn công này mang tên “Rising Lion” (Sư tử trỗi dậy).
Về phần mình, Iran đáp trả bằng hàng loạt tên lửa tầm xa nhằm vào Tel Aviv. Iran xác nhận các đợt phóng tên lửa thuộc chiến dịch mang tên "Lời hứa Chân thật 3", do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) phát động.
Sau đó, Tổng thống Donald Trump thông báo về việc quân đội Mỹ tấn công thành công 3 cơ sở hạt nhân của Iran đêm 21/6 (giờ địa phương, tức sáng 22/6 theo giờ Việt Nam). Ngày hôm sau, Iran đáp trả bằng việc phóng loạt tên lửa nhằm vào căn cứ Al Udeid của Mỹ đặt tại Qatar.
Nhưng đến tối 23/6, Tổng thống Trump tuyên bố Iran và Israel đã nhất trí ngừng bắn. Nhà lãnh đạo Mỹ đăng trên mạng xã hội Truth Social: “Israel và Iran hoàn toàn nhất trí sẽ thực hiện một LỆNH NGỪNG BẮN TOÀN DIỆN (dự kiến bắt đầu sau khoảng 6 giờ nữa, khi hai bên giảm bớt căng thẳng và kết thúc các nhiệm vụ cuối cùng đang tiến hành). Lệnh ngừng bắn này sẽ kéo dài 12 tiếng đồng hồ, sau đó cuộc chiến sẽ được coi là KẾT THÚC”.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc