Thể thao Việt Nam ở SEA Games 33: Tính chuyện đường dài

Thể thao Việt Nam ở SEA Games 33: Tính chuyện đường dài
7 giờ trướcBài gốc
Cơ hội để “chuyển đổi trạng thái”
Đây là kỳ SEA Games trên đất Thái Lan và gần như có thể nói chắc rằng đoàn TTVN không có cơ hội để lần thứ 3 liên tiếp đứng nhất toàn đoàn sau các kỳ 31 và 32 diễn ra liên tiếp trong các năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, với thực lực đã có, mục tiêu tốp 3 nằm trong tầm tay.
Nói cách khác, SEA Games 33 không phải là nơi để TTVN quan tâm nhiều đến thứ hạng, khi mà việc đứng nhì hay đứng ba không có nhiều ý nghĩa. Mọi thứ chỉ rắc rối nếu chúng ta không thể vào được tốp 3, nhưng đây là điều cũng gần như không thể xảy ra xét trên tương quan thể thao khu vực vốn có rất ít biến động.
Thành công của bóng đá Việt Nam ở ASEAN Cup 2024 sẽ tạo động lực cho môn bóng đá khi bước vào SEA Games 33. Ảnh: MINH HOÀNG
Nhưng SEA Games 33 lại trở nên quan trọng nếu chúng ta nhìn đến Asiad 2026 tổ chức tại Nhật Bản dự kiến trung tuần tháng 9-2026. Như vậy, tính từ lúc diễn ra SEA Games (tháng 11), chỉ còn 9 tháng cho Asiad. Còn nếu tính từ bây giờ, chúng ta chỉ còn hơn một năm rưỡi cho Asiad lần thứ 20.
Đây là quỹ thời gian không nhiều nếu TTVN tính chuyện bứt phá về mặt thành tích, nhất là trong giai đoạn rất nhiều môn trọng điểm đang ở trong giai đoạn trẻ hóa như điền kinh, thể dục, bắn súng, cử tạ, bóng đá…
Điều này đặt ra một thách thức: SEA Games cần phải được đánh giá lại về tính chất, có hay không việc sử dụng VĐV trẻ, bởi nếu dồn trọng tâm vào SEA Games sẽ bỏ lỡ thời gian chuẩn bị lực lượng kế cận cho Asiad. Đặt trường hợp ngay từ lúc này, TTVN đã có những mục tiêu cụ thể cho Asiad 2026, nên chuẩn bị lực lượng, nhất là công tác trẻ hóa để phục vụ cho cả SEA Games 34 - 2027 cũng như Olympic 2028.
Sau 2 kỳ SEA Games phải dồn lực giành ngôi đầu toàn đoàn, TTVN đã “đuối” ở Asiad 19. Sau đại hội không thành công ở Trung Quốc, đã có không ít bài học được rút ra, trong đó đề cập nhiều đến việc thay đổi tư duy về thành tích ở SEA Games.
Trên thực tế, đấu trường khu vực không đem lại những cọ xát hữu ích về chuyên môn, thậm chí còn có tác dụng ngược do những chiến thắng quá dễ dàng khiến cho công tác dự báo tại Asiad và cả Olympic không chuẩn xác.
Rõ ràng, áp lực tại SEA Games 33 không còn nặng nề khi ngôi số 1 khó lòng thoát khỏi tay nước chủ nhà Thái Lan. Đã đến lúc các nhà quản lý thực hiện việc “chuyển đổi trạng thái” cho SEA Games, bao gồm cả việc chấp nhận rủi ro cử các tuyến trẻ dự đại hội để kiểm tra năng lực tương lai.
Tạo đà cho kỷ nguyên mới
Tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức cuối năm 2024, Cục TDTT xác định đây là năm 2025 mang tính bản lề của TTVN với sự kiện chính là SEA Games 33 tại Thái Lan. Có thể xem đây là đợt tổng kiểm tra năng lực thực tế của ngành thể thao trước khi bắt tay vào triển khai Chiến lược phát triển TDTT 2030-2045 (Chiến lược) đã được Chính phủ phê duyệt.
Nhưng nếu nhìn lâu dài, dù sự kiện lớn nhất năm 2025 là SEA Games 33 thì “chủ đề” chính nên là Asiad 20. Chiến lược phát triển thể thao giai đoạn 2030-2045 đặt ra quá nhiều tham vọng.
Nhưng cho đến nay, chiến lược TTVN cũng chỉ ở "mức độ" hội nghị, hội thảo chứ chưa có quyết sách cụ thể nào, chưa có mục tiêu rõ ràng cho từng kỳ SEA Games hay Asiad 2026 đã ở trước mặt. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đối diện với hàng loạt cuộc chia tay của một thế hệ VĐV nổi trội đặc biệt.
Ngay trong chiến lược này, những nhiệm vụ thành tích ở SEA Games cũng chỉ được đề cập không nhiều và gần như đã nằm trong tầm tay. Vấn đề bây giờ là làm sao để việc tham gia SEA Games trở nên hiệu quả cho những mục tiêu lớn tại châu lục và Olympic.
Cứ lấy bóng đá làm ví dụ. Tại cấp độ đội tuyển, hiện đã có thêm giải pháp sử dụng cầu thủ nhập tịch, Việt kiều để gia tăng đẳng cấp. Với đội U22 dự SEA Games, đó là câu chuyện về chuẩn bị nguồn lực cho tương lai khi mà cơ hội cạnh tranh để lên tuyển của các cầu thủ trẻ sẽ không còn nhiều. Nhìn ở góc độ này, SEA Games sẽ có nhiều ý nghĩa khi vẫn là nơi để tuyến kế cận thi thố tài năng trong một sự kiện có giá trị với quốc gia.
Chiến thắng của đội tuyển bóng đá ở ASEAN Cup 2024 cho thấy sự quyết liệt trong các thay đổi từ HLV cho đến nhập tịch cầu thủ, đã tạo ra được bước ngoặt quan trọng về mặt thành tích.
Đây cũng chính là động lực để nhiều môn quan trọng, và những nhà quản lý thể thao, mạnh dạn hơn trong việc điều hành và xây dựng kế hoạch. SEA Games 33 sẽ là một “phép thử”, cũng sẽ là một cuộc “thử thách” cam go về năng lực thực hiện chiến lược đường dài của những người làm thể thao Việt Nam.
Nước chủ nhà Thái Lan vừa công bố công tác tổ chức SEA Games lần thứ 33 từ ngày 9 đến 20-12-2025, thi đấu 50 môn thể thao và phân môn để tranh 574 bộ huy chương.
Các môn thi được sắp xếp như sau: Nhóm một bao gồm 28 môn thể thao sẽ có tại Olympic mùa đông 2026 và Olympic mùa hè 2028 như: điền kinh, bơi, bắn cung, cầu lông, bóng rổ, canoeing, rowing… Nhóm hai là 18 môn thi đấu tại ASIAD. Nhóm ba là 4 môn thể thao được đề xuất: cờ, teqball, kickboxing, woodball. Cuối cùng là 3 môn biểu diễn: flying disc, tug of war, airsport và các môn mới của thể thao mùa đông và mùa hè.
Như vậy SEA Games 33-2025 có khoảng 24 môn và 154 nội dung thuộc các môn thể thao mùa đông cùng những môn mới mà Việt Nam chưa có VĐV tham dự.
YẾN PHƯƠNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/the-thao-viet-nam-o-sea-games-33-tinh-chuyen-duong-dai-post777404.html