Đại diện các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cho rằng, sản xuất kinh doanh rất cần vốn, hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã tạo cầu nối cung cấp thông tin minh bạch về cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ngân hàng đến doanh nghiệp và người kinh doanh. Tuy nhiên, các ý kiến của doanh nghiệp cũng phản ánh với ngân hàng rằng, doanh nghiệp có tài sản nhiều nhưng vẫn khó tiếp cận vốn vay.
Ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2 (bìa trái) cho biết lãi suất huy động đang được các ngân hàng kềm giữ để ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh - Ảnh: Đình Hải
Đối thoại với doanh nghiệp, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2 công khai 5 bộ hồ sơ điều kiện vay vốn cơ bản của ngân hàng, nếu ngân hàng thương mại nào yêu cầu những điều kiện khác nằm ngoài nhóm hồ sơ đó, doanh nghiệp có thể phản ánh về cơ quan quản lý tiền tệ - ngân hàng để có hình thức tháo gỡ cho người vay vốn.
Đồng thời, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng cần chứng minh phương án kinh doanh có hiệu quả và sử dụng vốn đúng mục đích để các tổ chức tín dụng quản lý khoản vay đúng quy định pháp luật.
“Ngân hàng cho vay nhằm mục đích phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm và hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, ngân hàng không cho vay để giữ tài sản hay bán tài sản của doanh nghiệp” - ông Võ Minh Tuấn trả lời thắc mắc của doanh nghiệp.
Người đứng đầu ngành Ngân hàng Khu vực 2 cho biết, NHNN Việt Nam hiện nay đang điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Từ đầu năm 2025 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để kềm giữ lãi suất huy động không tăng bất thường, đảm bảo lãi suất cho vay ổn định hỗ trợ doanh nghiệp và người kinh doanh.
Theo đại diện NHNN chi nhánh Khu vực 2, tại Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đầu năm 2025, các tổ chức tín dụng đăng ký một Gói tín dụng trị giá 517 nghìn tỷ đồng, dự kiến con số thực hiện gói tín dụng này sẽ tăng khoảng 30-35% - tương đương khoảng 600-700 nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng được cung ứng ra thị trường, trong đó hơn 50% là vốn trung dài hạn phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số của TP. Hồ Chí Minh trong năm nay.
Năm 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP. Hồ Chí Minh cần hơn 620.000 tỷ đồng cho mục tiêu tăng trưởng hai con số, trong đó vốn ngân hàng có thể đáp ứng hai phần ba trong số này, phần vốn khác thuộc về đầu tư công, đầu tư tư, kiều hối.
Tại Lễ ký kết có 4 ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thủ Đức, Agirbank, ACB, BIDV chi nhánh Thủ Đức ký kết cam kết cho vay 10 khách hàng với giá trị vốn hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo NHNN chi nhánh Khu vực 2, đầu năm 2025, các tổ chức tín dụng ở TP. Hồ Chí Minh đăng ký một Gói tín dụng ưu đãi, tính đến cuối tháng 4 các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho khách hàng ở Thủ Đức đạt hơn 25.800 tỷ đồng.
Đ.Hải