Theo Quyết định, xếp hạng di tích cấp thành phố đối với 7 di tích, gồm: Di tích Lịch sử văn hóa nhà thờ họ Trương Đỗ, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa; Di tích Lịch sử-Nghệ thuật chùa Kỳ Viên (Kỳ Viên tự), xã Đức Giang, huyện Hoài Đức; Di tích Lịch sử văn hóa đình Trên - chùa Yên Sơn, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ; Di tích Lịch sử - Nghệ thuật đình Cống Hạ, đình Thanh Lợi, xã Hồng Sơn và di tích Lịch sử văn hóa đình Bạch Tuyết, xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức; Di tích Lịch sử - Nghệ thuật quán Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ.
UBND TP giao UBND các huyện: Ứng Hòa, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phúc Thọ chịu trách nhiệm công khai khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và tổ chức lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới trên thực địa theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.
UBND các xã có di tích được xếp hạng ban hành quyết định thành lập Ban quản lý di tích; tổ chức quản lý mặt bằng và không gian di tích, toàn bộ hiện vật thuộc di tích, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, sử dụng nguồn thu của di tích theo quy định tại Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 và Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế, sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội.
Nghiêm cấm mọi hoạt động có liên quan tới việc xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã được xếp hạng và khoanh vùng các khu vực bảo vệ. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất, xây dựng tại di tích phải được phép của UBND TP Hà Nội.
Sở Văn hóa & Thể thao, UBND các huyện Ứng Hòa, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phúc Thọ và UBND các xã nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Hồng Thái