Hồi đó ở quê, nhà nào cũng đông con nên chúng tôi ít khi nào được ăn bữa cơm ngon. Má tôi thường ghế khoai lang khô vào nồi cơm mới xới đủ cho cả nhà. Tới lúc má quảy gánh ra phố đi buôn chuyến, bao mùa chị phải tới chợ năn nỉ người ta mua chịu gạo, chờ ngày má đem tiền về trả lại. Khắc sâu tâm trí chị em tôi là loại gạo rẻ tiền, hạt bể, màu xấu. Bữa cơm nấu ra nhai trẹo hàm răng vì hạt cơm cứng rời, khô nhạt, phải chan nước canh rau vào để dễ nuốt.
Rồi có một lần, má trở về nhà sau chuỗi ngày trông ngóng dằng dặc của mấy đứa con, trong cái giỏ nhựa đỏ gói ghém bao gạo chục ký. Mặc cho chị em tôi thoáng chút hụt hẫng vì thiếu quà bánh, ánh mắt má rạng rỡ hơn bao giờ hết. Má biểu, dành dụm cả năm trời, rốt cục Tết năm nay nhà mình cũng được ăn ngon. Đó là lần đầu tiên chúng tôi biết đến loại gạo Nàng Thơm đặc sản ở miền Tây xa tít. Hóa ra trên đời lại có một loại gạo nấu được chén cơm thơm ngon nhường ấy.
Má nhen bếp lửa, nồi cơm vừa sôi hương gạo đã tỏa ra thơm nức mũi. Trong gian bếp ấm hơi khói, má chắt tô nước cơm cho chị em tôi chia đôi để uống. Chu choa hương vị beo béo, sền sệt như đọng lại nơi đầu lưỡi cuống họng, neo mãi trong trí nhớ tới tận bây chừ. Và đúng như má nói, nồi cơm xới ra thơm ngan ngát, dẻo mềm vừa đủ, không khô rời mà cũng không quá dính, vị thanh ngọt như hương lúa mới, phải nói là ngon nhất tôi từng được ăn cho tới thời điểm đó.
Má bới cho mỗi đứa một chén cơm nóng hổi đầy ắp, chỉ chan mắm cái vào ăn cũng thấy ngon. Hầu như bữa cơm nào mấy chị em cũng vét sạch nồi, nếu còn dư cơm nguội thì chiều hâm nóng vẫn dẻo mềm như cũ, không hề ôi thiu. Bao gạo Nàng Thơm mười ký cứ thế thoáng cái là hết, nhanh hệt như ngày Tết rong chơi chẳng đủ.
Sau này, khi mấy chị em lớn hơn một chút, kinh tế gia đình cũng ổn dần lên, chúng tôi đã biết lựa chọn loại gạo ngon để nấu những bữa cơm ấm cúng. Nhưng thực tình, khó tìm được loại gạo nào thơm ngon vừa tròn được như Nàng Thơm. Bởi thói quen ăn kiểu nhà nghèo thấm sâu vào máu, chúng tôi không thích hạt cơm quá dẻo, quá mềm, chỉ ăn nửa chén đã ngán tận cổ.
Mãi tới khi chị em tôi vào Nam học tập, quen được bạn bè người Long An, mới hiểu tại sao gạo Nàng Thơm đặc biệt đến thế. Bạn kể, giống lúa Nàng Thơm chỉ được trồng ở các cánh đồng quanh rạch Chợ Đào thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước quê bạn. Đất vùng này nhiễm phèn nhiễm mặn đậm, nhưng giống lúa Nàng Thơm lại chống chịu tốt, cho gạo thơm và dẻo mềm hơn khi đem trồng ở nơi khác.
Càng độc đáo bởi lúa Nàng Thơm đồng loạt trổ đòng tỏa hương khi đông chí tới. Giống lúa dài ngày này phải gieo cấy từ tháng 6 Âm lịch, mãi tới gần cuối tháng Chạp se lạnh thì mới gặt được. Một năm chỉ cấy được một mùa lúa Nàng Thơm, cứ khoảng ba năm sẽ chọn lại giống cho mùa sau. Mỗi bông lúa chín chọn một hạt lúa, cạo lớp vỏ trấu, thấy hạt gạo thon dài màu trắng đục, bên trong có hạt lựu hồng hồng thì cắt bông lúa đó dành làm giống. Gạo Nàng Thơm Chợ Đào dẻo ngon nổi danh tới độ trở thành gạo tiến vua vào thời Minh Mạng, xứng với câu dân gian lưu truyền: “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”.
Từ ngày làm dâu xứ người, chị tôi phải học làm quen với bánh mì bơ, mứt trái cây, xúc xích cà ri, phô mai… dễ dầu gì được ăn cơm một ngày ba bữa. Tự dưng sáng đẹp trời, trong hội nhóm người Việt tại Đức có chia sẻ về địa chỉ bán thực phẩm, đồ ăn Việt Nam, chị đã tìm thấy nơi bán gạo Nàng Thơm xứ Việt. Chưa biết đó có phải là Nàng Thơm chính gốc của Chợ Đào hay không, chị vẫn mua. Xới nồi cơm thơm nức mũi, bưng chén cơm đầy mà chị nghe lòng rưng rức. Ký ức bao dấu yêu ngày nhỏ ấm áp bên gia đình cứ thế ùa về cay tràn mắt môi. Câu nói chị tôi nghẹn lại giữa chừng. Phải chi được ăn một bữa cơm nhà với má với em…
Tháng Chạp, Chợ Đào chắc đang í ới vào mùa gặt, hương lúa ngọt ngào dậy khắp ruộng đồng bát ngát...
Mộc Yên