Sáng 20/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh
Nhìn chung, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật sau khi tiếp thu các ý kiến đã được hoàn thiện nhằm xử lý các vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, đồng thời đảm bảo thực hiện cam kết phòng, chống rửa tiền. Đây là vấn đề cấp bách cần phải được đưa vào dự thảo luật theo đúng yêu cầu của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính) của Mỹ khi Việt Nam bị đưa vào danh sách xám.
Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ), các nội dung đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Luật lần này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ đó, đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số kiến tạo, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) phát biểu
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất cao với việc quy định bổ sung các quy định đối với chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Việc bổ sung các quy định này, theo đại biểu, là rất cần thiết để thực hiện các biện pháp trong phòng, chống rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố và tăng tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn để có thể nhận diện rõ ràng về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Cần rà soát các quy định theo hướng nhằm xác định được người có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ và quyền chi phối, điều hành, kiểm soát ảnh hưởng tới các hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu đề nghị.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng cách tiếp cận của dự thảo về quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi là phù hợp. Bởi đây là những quy định hết sức kỹ thuật. Yêu cầu về khai báo, truy xuất chủ sở hữu hưởng lợi có thể thay đổi theo thời gian và theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế. Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định những nguyên tắc chung nhất trong luật và sau đó thì Chính phủ sẽ quy định cụ thể, chi tiết.
Về trách nhiệm thu thập thông tin, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc quy định trách nhiệm thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi từ doanh nghiệp là rất cần thiết, phù hợp, vì lâu nay chúng ta chưa có quy định cụ thể.
Tuy nhiên, cần phân định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn và doanh nghiệp nhỏ để tránh tạo thêm nghĩa vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi, theo đại biểu, các doanh nghiệp nhỏ phần lớn do gia đình và người thân điều hành, ít bị chi phối bởi chủ sở hữu hưởng lợi doanh nghiệp.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong việc kê khai thông tin không cụ thể, quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện kê khai hoặc kê khai không trung thực, không chính xác về chủ sở hữu hưởng lợi, kể cả trách nhiệm về dân sự cũng như hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng.
Hậu kiểm để hạn chế tình trạng đăng ký vốn ảo
Một số đại biểu quan tâm đến vấn đề kiểm soát đăng ký vốn ảo. Theo đại biểu Tráng An Dương (đoàn Hà Giang), dự thảo luật hiện hành chưa quy định về chặt chẽ về nội dung góp vốn sau khi thành lập doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đăng ký vốn ảo, thiếu khả năng chi trả.
Do đó, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp phải hoàn thành việc góp vốn trong một thời gian nhất định kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký của doanh nghiệp. Trường hợp không đủ vốn đúng thời hạn, dự thảo luật cần quy định rõ các biện pháp xử lý cụ thể để đảm bảo tính nghiêm minh trong hoạt động kinh doanh.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu.
Về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đồng tình với cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không yêu cầu thêm các điều kiện bổ sung trong quá trình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tức là không tiền kiểm đối với vấn đề này.
“Thực tiễn Luật Doanh nghiệp gần ba thập kỷ qua đã chứng minh là việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, dễ dàng là một trong những quy định vô cùng quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân”, đại biểu nêu rõ.
Thay vào đó, đại biểu nêu rõ, cơ quan nhà nước tăng cường hậu kiểm những trường hợp có nghi ngờ về việc thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm cơ chế hậu kiểm theo phương pháp quản lý rủi ro, tránh xảy ra tình trạng kiểm tra tùy hứng gây mất thời gian của doanh nghiệp và dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.
Theo đó, đại biểu cho rằng, cơ quan nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, chấm điểm rủi ro và đi kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp.
Biện pháp kiểm tra theo mức độ rủi ro này đã được áp dụng trong ngành thuế và hải quan trong những năm qua đã mang lại nhiều lợi ích rất hiệu quả và hiện nay cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang được xây dựng và tập hợp đầy đủ. Đây là cơ sở rất tốt để triển khai việc chấm điểm rủi ro và kiểm tra theo cấp rủi ro, đại biểu phân tích.
Đề xuất hạ độ tuổi được góp vốn thành lập doanh nghiệp
Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị hạ quy định độ tuổi cá nhân được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp từ 18 tuổi theo Luật Doanh nghiệp xuống 16 tuổi. Bởi, theo quy định luật pháp của Việt Nam, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Độ tuổi lao động cũng quy định là đủ 15 tuổi trở lên là có quyền lao động.
Theo Bộ Luật Dân sự, người chưa đủ 18 tuổi thì chưa có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Nhưng Luật này cũng quy định, người từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trừ quyền sử dụng đất và bất động sản phải đăng ký.
Do đó, đại biểu cho rằng người từ 16 tuổi trở lên hoàn toàn có quyền tự mình nhân danh và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch dân sự, có quyền góp vốn và tham gia thành lập doanh nghiệp. Quy định này đảm bảo tuân thủ và tương thích với các quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam.
Hoàng Yến