Thêm cơ hội xác định danh tính cho liệt sĩ

Thêm cơ hội xác định danh tính cho liệt sĩ
4 giờ trướcBài gốc
Các đơn vị chức năng thu nhận mẫu ADN của mẹ liệt sĩ tại phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang).
Cả đời mong liệt sĩ trở về
Có mặt tại hội trường UBND phường Ngô Quyền (thành phố Bắc Giang) từ rất sớm, nhiều mẹ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ chờ đến lượt lấy mẫu ADN. Mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ích ở tổ dân phố Đông, phường Bích Động (thị xã Việt Yên) năm nay đã 91 tuổi cũng đến lấy mẫu ADN từ sớm. Mẹ có 7 người con thì cả 3 con trai đều xung phong ngập ngũ. Người con trai cả Đặng Văn Lực (sinh năm 1962) vừa tròn đôi mươi cũng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Mùa đông năm 1984, mẹ xót xa nhận tin con trai đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Hàng chục năm trôi qua, mẹ Ích cùng các con, cháu đã nhiều lần tìm theo những tin tức mong manh chỉ với hy vọng sớm tìm được, đưa hài cốt liệt sĩ Lực về quê nhà.
Mẹ Ích rưng rưng: “Chiến tranh quá khốc liệt. Con tôi đi chẳng có ngày về. Lúc nhận được giấy báo tử của con, tôi chỉ biết khóc. Giờ đây, Nhà nước có chương trình này, tôi chỉ mong sao sớm tìm thấy hài cốt của con”.
Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1968, ông Nguyễn Xuân Nghị (sinh năm 1947) và em trai là ông Nguyễn Văn Quyết (sinh năm 1950) ở thôn Tân Thịnh, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) đều xung phong nhập ngũ. Khi tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, ông Nghị cùng nhiều chiến sĩ khác hy sinh. Bao nhiêu năm đi tìm hài cốt anh trai nhưng chưa có kết quả, ông Quyết vẫn chưa nguôi hy vọng.
Trong ngày 23 và 24/4, Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công ty cổ phần Genestory đã thu nhận 180 mẫu ADN của mẹ đẻ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức thu nhận mẫu được thực hiện tại 3 địa điểm tập trung: Phường Chũ (thị xã Chũ); phường Ngô Quyền (thành phố Bắc Giang); thị trấn Cao Thượng (Tân Yên).
Ngoài ra, các tổ tiến hành thu nhận trực tiếp tại gia đình cho các mẹ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ có sức yếu, không thể đi lại. Trong đó, có nhiều mẹ liệt sĩ đã hơn 100 tuổi như: Mẹ Nguyễn Thị Thin (sinh năm 1920) ở thôn Giáp Xá, xã Cẩm Lý (Lục Nam); mẹ Dương Thị Tập (sinh năm 1920) ở thôn Lạc Yên 1, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa); mẹ Hoàng Thị Xén (sinh năm 1923) ở tổ dân phố Néo, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động)…
Thực hiện thu nhận tại gia đình, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Chỉ huy Đội thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) xúc động nói: "Khi chúng tôi đến nhà thu mẫu ADN, mẹ Đỗ Thị Đạm (100 tuổi) ở thôn Dĩnh Sơn, xã Trung Sơn (thị xã Việt Yên) khóc nức nở như thể sắp tìm được người thân. Dỗ mãi, mẹ mới ngừng khóc để tiến hành lấy máu, lấy dấu vân tay".
Tri ân thế hệ đi trước
Đất nước đã thống nhất 50 năm. Sau chiến tranh, nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn nằm ở các nghĩa trang, nơi chiến trường xưa mà chưa thể nhận dạng do thiếu thông tin, thất lạc hồ sơ. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Đây là nỗi day dứt của nhiều gia đình, nhiều thân nhân liệt sĩ.
Được biết, việc triển khai rà soát, xác minh liệt sĩ chưa rõ danh tính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được triển khai từ rất lâu song hiệu quả xác minh chưa cao. Sau khi Luật Căn cước 2023 có hiệu lực mở ra khả năng tích hợp ADN vào hệ thống quản lý dân cư. Việc thu thập mẫu, giám định và tích hợp thông tin ADN thân nhân liệt sĩ là giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học nhằm tăng hiệu quả xác định danh tính liệt sĩ.
Các đơn vị chức năng phối hợp thu nhận mẫu ADN của mẹ liệt sĩ vào ngày 23/4 và 24/4.
Tháng 8/2024, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch thu thập dữ liệu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn toàn tỉnh. Việc triển khai kế hoạch có sự tham gia đồng hành của các đơn vị như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Sở Nội vụ); Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố…
Công ty cổ phần Genestory là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y, sinh học, tập hợp nhiều bác sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học công nghệ. Bà Trần Thị Ngân, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Genestory cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ thu nhận ADN của thân nhân liệt sĩ để phục vụ công tác xác định danh tính của liệt sĩ là vinh dự của mỗi cán bộ Công ty nhằm tri ân thế hệ đi trước. Chúng tôi cam kết huy động tối đa đội ngũ chuyên gia để nhanh chóng trả kết quả xét nghiệm, đối sánh, xác định liệt sĩ chưa rõ danh tính”.
Theo Thượng tá Ngô Văn Kiên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh - cơ quan thường trực Tổ đề án 06/CP tỉnh), sau khi hoàn thành việc thu thập mẫu, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với đơn vị giám định ADN để phân tích, so sánh. Khi có kết quả trùng khớp thì thông báo cho gia đình và cập nhật hồ sơ liệt sĩ, đóng góp dữ liệu vào hệ thống Trung ương để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lâu dài.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/them-co-hoi-xac-dinh-danh-tinh-cho-liet-si-postid417062.bbg