Vẫn còn nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực cần được bảo vệ. (Ảnh minh họa: ITN)
TPHCM là trung tâm kinh tế - xã hội năng động bậc nhất cả nước, bên cạnh những thành tựu vượt bậc, vẫn đối mặt với thách thức dai dẳng về bất bình đẳng giới và bạo lực giới.
Trước thực trạng đó, năm 2023, với sự hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực từ Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức PE&D (tổ chức phi chính phủ của Pháp hoạt động với mục tiêu bảo vệ, giáo dục và hòa nhập trẻ em dễ bị tổn thương tại 8 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam) và các đối tác, mô hình "một cửa" đầu tiên mang tên Bồ Công Anh đặt tại Bệnh viện Hùng Vương.
Hơn 1.000 trẻ em sinh ra trẻ em
Mô hình Bồ Công Anh ra đời như một giải pháp đột phá, cung cấp chuỗi dịch vụ hỗ trợ toàn diện, khép kín cho nạn nhân, bao gồm: chăm sóc y tế khẩn cấp, hỗ trợ lưu trú an toàn, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý và kết nối các dịch vụ xã hội cần thiết khác.
Điểm ưu việt của mô hình là nạn nhân chỉ cần đến một địa điểm duy nhất để nhận được sự trợ giúp kịp thời, phù hợp và đảm bảo bí mật thông tin, thay vì phải tự mình tìm đến nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.
Sau 2 năm hoạt động, mô hình Bồ Công Anh can thiệp và hỗ trợ hiệu quả cho 224 trường hợp; trong đó có đến 194 trường hợp là trẻ em gái dưới 16 tuổi mang thai và sinh con (chiếm 86,61% – một con số đáng báo động về tình trạng "trẻ em sinh ra trẻ em").
Ngoài ra, Bệnh viện Hùng Vương cũng ghi nhận thêm 1.009 trường hợp liên quan (gồm 798 ca "trẻ em sinh ra trẻ em" và 211 trẻ vị thành niên cần kế hoạch hóa gia đình) không sử dụng dịch vụ của mô hình vì nhiều lý do.
Những con số này không chỉ phác họa một phần bức tranh đáng lo ngại về bạo lực giới tại TPHCM, nơi phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân chủ yếu và người gây bạo lực phần lớn là nam giới, mà còn cho thấy nhiều trường hợp nạn nhân phải chịu đựng sự xâm hại đa tầng từ nhiều thành viên trong gia đình.
Thông tin tuyên truyền "những vị trí trẻ em không được cho người lạ chạm vào".
Quan trọng hơn, thực tiễn vận hành của Bồ Công Anh khẳng định tính hiệu quả của cách tiếp cận đa ngành, không chỉ tập trung vào hỗ trợ nạn nhân mà còn thúc đẩy các biện pháp can thiệp đối với người gây bạo lực, hướng tới giải quyết gốc rễ vấn đề.
Cam kết hành động vì tương lai an toàn
Phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu từ Mô hình Bồ Công Anh và tham khảo các mô hình quốc tế, TPHCM quyết định nhân rộng, thành lập thêm 3 mô hình một cửa mới.
Các cơ sở này được đặt tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM.
Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố đóng vai trò là đầu ra quan trọng trong quy trình hỗ trợ.
Quy trình vận hành được thiết kế khoa học và khép kín: Khi bệnh nhân đến khám và điều trị tại một trong ba bệnh viện trên (đầu vào) và được đội ngũ y bác sĩ sàng lọc, phát hiện dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, họ sẽ được chuyển ngay đến phòng một cửa của bệnh viện.
Tại đây, nhân viên chuyên trách sẽ liên hệ với Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố (đầu ra).
Sự phối hợp đa ngành được kích hoạt với sự tham gia của Sở Nội vụ, Sở Y tế, ngành Công an, Tư pháp, Tòa án, các Hội, Đoàn thể và chính quyền địa phương.
Cuộc họp hội chẩn ca được tổ chức để đánh giá, lấy lời khai (nếu cần), cung cấp tư vấn tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân và hỗ trợ gia đình ổn định, đồng thời theo dõi, quản lý tại cộng đồng.
Tăng cường bảo vệ trẻ em và phụ nữ bị bạo lực.
Trong trường hợp nạn nhân cần tạm lánh khẩn cấp, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố tiếp nhận, cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, trị liệu tâm lý và kết nối các dịch vụ thiết yếu khác theo chính sách hiện hành, trước khi phối hợp với chính quyền địa phương để nạn nhân hồi gia và tiếp tục được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM, mô hình một cửa Bồ Công Anh và quy trình phối hợp liên quan đã và đang vận hành có hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu lực mới chủ yếu dừng ở việc xử lý, can thiệp các vụ việc đã xảy ra. Việc trợ giúp mọi người nhận diện đúng, đủ các dấu hiệu bạo lực để tự phòng ngừa và tìm đến dịch vụ hỗ trợ còn khoảng trống.
“Với sự vào cuộc của các bệnh viện, Trung tâm Công tác xã hội và các bên liên quan, đặc biệt là vai trò của gia đình, sẽ giúp phụ nữ và trẻ em nâng cao nhận thức, kỹ năng để tự bảo vệ, hướng đến cuộc sống an toàn, hạnh phúc”, ông Dũng kỳ vọng.
Người bị bạo lực, xâm hại cần được trợ giúp có thể liên hệ đường dây nóng (24/7): 1900 54 55 59; Hoặc đến trực tiếp các phòng một cửa, gồm: Bệnh viện Hùng Vương (128 Hồng Bàng, Quận 5); Bệnh viện Nhi đồng 1 (341 Sư Vạn Hạnh, Quận 10); Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (15 Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh); Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM (929 Trần Hưng Đạo, Quận 5).
Lâm Ngọc