Thêm hy vọng tìm người thân cho những Anh hùng liệt sĩ chưa xác định danh tính

Thêm hy vọng tìm người thân cho những Anh hùng liệt sĩ chưa xác định danh tính
7 giờ trướcBài gốc
Đau đáu ngày gặp lại
Dù đã 93 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng khi nghe nói cán bộ Công an phường Thanh Châu chở đi lấy mẫu sinh trắc ADN để tìm hài cốt em trai hy sinh trong chiến tranh thì bà Phan Thị Nụ (phường Thanh Châu, TP. Phủ Lý) đồng ý ngay. Gia đình bà có 5 anh, chị, em thì có 3 người em trai đều tham gia phục vụ chiến đấu trên nhiều chiến trường trong cả nước. Sau này đất nước thống nhất chỉ có 2 người trở về, người em út Phan Văn Thắng (1950 - 1972) đã không may nằm lại nơi chiến trường, giờ đây bà Nụ vẫn đau đáu nỗi đau chưa tìm được hài cốt. Theo giấy báo tử, Liệt sĩ Phan Văn Thắng hy sinh năm 1972 ở tỉnh Quảng Nam nhưng gia đình không có thêm manh mối cũng như điều kiện để tìm kiếm. Người chị gái trước khi qua đời vẫn không nguôi nỗi trăn trở tìm em: “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là sớm tìm thấy phần mộ của em trai mình, đưa về nghĩa trang quê nhà để đoàn tụ cùng với gia đình, người thân trước khi tôi nhắm mắt xuôi tay”.
Công an tỉnh kiểm tra công tác lấy mẫu ADN thân nhân liệt sĩ tại điểm thu nhận mẫu Công an phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý).
Cùng có mặt tại buổi thu thập dữ liệu sinh trắc ADN cho thân nhân liệt sĩ, ông Lê Văn Nhung (sinh năm 1953) và ông Lê Kỳ Sơn (sinh năm 1961) trú tại Đọ Xá, phường Thanh Châu, TP. Phủ Lý là các em ruột của Liệt sĩ Lê Văn Nam (1948 - 1969). Ông Nhung nghẹn ngào chia sẻ: “Qua lời kể của đồng đội anh Nam, có lần gặp anh ở kho quân giới rừng Tây Ninh. Suốt nhiều năm qua kể từ ngày nhận được giấy báo tử, anh em chúng tôi nhiều lần vất vả thay nhau vào khu vực chiến trường phía Nam để tìm. Trong một lần tôi đi qua Nghĩa trang Gò Dầu (Tây Ninh) bắt gặp bia mộ tên Lê Anh Nam, quê quán Nam Hà (cũ), tuy tên không trùng với giấy khai sinh nhưng lại trùng với thông tin trên giấy báo tử mà gia đình tôi nhận được. Vì vậy, đến nay tôi vẫn chưa thể biết chính xác anh Nam của chúng tôi nằm đó không”. Gạt đi giọt nước mắt, ông Nhung nói tiếp: “Anh em chúng tôi còn sống nhưng tuổi cũng đã cao, chỉ mong nhờ vào khoa học công nghệ, nhờ dữ liệu ADN cùng sự nỗ lực của chính quyền các cấp, tôi tin lần này có thể giúp cho gia đình tìm được anh trai. Tôi thật sự hy vọng sẽ sớm tìm được anh và cũng là làm tròn bổn phận, niềm mong mỏi của cha mẹ khi còn sống”.
Nghĩa cử thiêng liêng
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 13.830 liệt sĩ, trong đó có 9.342 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Thấu hiểu nỗi niềm đau đáu, day dứt mong chờ của thân nhân các liệt sĩ, ngay sau khi có Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thu nhận ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính, Công an tỉnh Hà Nam đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở Nội vụ, các ban, ngành địa phương nhanh chóng hoàn thiện rà soát, thu thập, cập nhật thông tin thân nhân liệt sĩ trên địa bàn để phục vụ việc thu nhận mẫu ADN vào ngân hàng gene; đồng thời, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thiết thực, là một trong những mục tiêu hướng tới của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) nhằm chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tích hợp dữ liệu thông tin ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân với cơ sở dữ liệu căn cước theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Trung tá Nguyễn Thị Hảo, Phó Trưởng Công an phường Thanh Châu (TP Phủ Lý) cho biết: “Ngay sau khi Công an tỉnh triển khai kế hoạch, Công an phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, động viên thân nhân liệt sĩ về chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngành Công an; đồng thời phối hợp cùng cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phường Thanh Châu thảo luận, thống nhất phương thức thu thập, rà soát thông tin thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính tại địa phương. Đối với các trường hợp khó khăn trong việc di chuyển, Công an phường đã bố trí cán bộ đưa đón thân nhân các gia đình đến điểm thu nhận mẫu ADN. Đến nay, Công an phường đã phối hợp thu nhận được trên 30 mẫu ADN cho thân nhân gia đình liệt sĩ, góp phần hoàn thành việc xây dựng ngân hàng dữ liệu gene, bước chuẩn bị cho hành trình dài tìm kiếm, mở ra hy vọng đưa các liệt sĩ về với người thân”.
Thực hiện triển khai từ 3/8/2024, đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức được 2 đợt thu nhận mẫu ADN, với hơn 1.660 mẫu (là Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sĩ) của 842 liệt sĩ chưa xác định thông tin trên địa bàn tỉnh. Thượng tá Trịnh Minh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hà Nam, thông tin: “Việc tổ chức thu nhận mẫu ADN đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính là nhiệm vụ chính trị quan trọng thể hiện sự tri ân, ý nghĩa nhân văn, tỏ lòng biết ơn với những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tìm kiếm, quy tập, đưa các anh hùng liệt sĩ về với gia đình, quê hương. Với kho dữ liệu phổ quát này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng việc tìm kiếm, xác minh thân nhân, thông tin liệt sĩ dễ dàng, hiệu quả”.
Thời gian cứ thế trôi qua, nỗi đau, niềm trăn trở vẫn còn, môi trường lại khắc nghiệt không ủng hộ cho quá trình tìm kiếm, xác minh, trong khi nhiều gia đình liệt sĩ thân nhân đã không còn. Công cuộc “tìm danh tính - nối người thân”, giờ đây, được Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an các xã, phường, thị trấn đã và đang được triển khai gấp rút, chạy đua cùng thời gian với mục đích cao nhất là sớm tìm được tên cho các Anh hùng liệt sĩ. Những ánh đèn điện làm việc sáng xuyên đêm, những cán bộ làm công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công an cấp xã vẫn cần mẫn rà soát từng dòng dữ liệu, từ nơi thường trú xưa cũ, giấy khai sinh cách đây hơn nửa thế kỷ, đến những mối quan hệ huyết thống còn sót lại. Có những cái tên gần như đã mờ dần trong trí nhớ gia đình, nhưng giờ đây lại được mở ra niềm hy vọng, mở ra cơ hội đưa các anh trở về.
Tin rằng, với sự nỗ lực, chủ động của lực lượng Công an tỉnh Hà Nam cùng với các sở, ngành, địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội; sự tiến bộ của khoa học công nghệ, một ngày không xa tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sẽ được trở về với vòng tay quê hương, gia đình và đồng đội,... cũng là cách để tri ân, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.
Trần Giang
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/doi-song/them-hy-vong-tim-nguoi-than-cho-nhung-anh-hung-liet-si-chua-xac-dinh-danh-tinh-160458.html