Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16-6-2025, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho hoạt động phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi, nhu cầu đầu tư vào các sản phẩm tài chính ổn định, ít rủi ro ngày càng tăng. Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá đang dần khẳng định lại vai trò như một giải pháp tài chính an toàn, minh bạch và có khả năng sinh lời ổn định.
Chứng chỉ tiền gửi, kênh đầu tư được “làm mới” bằng Thông tư 02/2025. Ảnh minh họa
Theo Thông tư 02, các tổ chức tín dụng như ngân hàng thương mại; ngân hàng hợp tác xã; công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành; chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều được phép phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng đồng Việt Nam.
Đối tượng mua chứng chỉ tiền gửi bao gồm tổ chức và cá nhân trong và nước ngoài. Lưu ý, riêng các công ty tài chính chỉ được phát hành chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng tổ chức, không áp dụng đối với khách hàng cá nhân.
Thông tư cho phép các tổ chức phát hành được quyết định mức lãi suất phù hợp với cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời điểm.
Kỳ hạn của chứng chỉ tiền gửi cũng do tổ chức phát hành lựa chọn. Đặc biệt, nếu người mua là tổ chức tín dụng khác, thì thời hạn tối đa của chứng chỉ tiền gửi dưới 12 tháng. Và mệnh giá thấp nhất được quy định là 100.000 đồng hoặc bội số của mức này.
Thông tư này quy định, chứng chỉ tiền gửi có thể được phát hành trực tiếp tại các điểm giao dịch hợp pháp hoặc thông qua phương tiện điện tử. Trong trường hợp phát hành điện tử, người mua sẽ nhận được xác nhận quyền sở hữu trên môi trường điện tử. Nếu phát hành tại quầy, tổ chức tín dụng phải cung cấp bản chứng chỉ in với thiết kế có tính bảo mật cao để ngăn chặn giả mạo.
Đối với cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức không cư trú, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi chỉ được thực hiện tại địa điểm giao dịch.
THÙY LINH