Chính phủ Brazil ngày 17/1 tuyên bố chính thức kết nạp Nigeria vào nhóm với tư cách là quốc gia đối tác. (Nguồn: Getty Images)
Trong một tuyên bố, bộ này nêu rõ: "Là một phần trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của BRICS, chính phủ Brazil ngày 17/1 tuyên bố chính thức kết nạp Nigeria vào nhóm với tư cách là quốc gia đối tác. Chính phủ Brazil hoan nghênh quyết định của chính phủ Nigeria".
Nigeria sẽ trở thành quốc gia đối tác thứ 9 của BRICS sau Belarus, Bolivia, Cuba, Kazakhstan, Malaysia, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan.
Cộng hòa Liên bang Nigeria là một quốc gia thuộc khu vực Tây Phi và cũng là nước đông dân nhất tại châu Phi với dân số đông thứ 6 trên thế giới - hơn 235 triệu người. Trái ngược với các quốc gia đang phải đối mặt với khả năng dân số già đi và thu hẹp lại, theo dự đoán năm 2023 của Liên hợp quốc, Nigeria sẽ tăng gần gấp đôi dân số vào năm 2050, lên khoảng 377 triệu người. Trong quá trình này, quốc gia châu Phi sẽ vượt qua Pakistan, Indonesia và có thể cùng với Mỹ là quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới, theo Insider.
Nigeria cũng là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, tuy nhiên, nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của dân số đang tăng trưởng với tốc độ nhanh. Những khó khăn hiện tại của quốc gia này khiến Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, có khả năng tụt hạng xuống thành nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Phi năm 2024, sau Nam Phi, Ai Cập và Algeria.
Với tư cách là quốc gia đối tác BRICS, các nước này sẽ tham gia thường xuyên vào các phiên họp đặc biệt của các hội nghị thượng đỉnh và các hội nghị cấp ngoại trưởng của BRICS.
Bên cạnh đó, các nước thành viên BRICS cũng có thể mời các quốc gia đối tác tham gia các sự kiện cấp bộ trưởng khác trong nhiều lĩnh vực như thương mại, an ninh quốc gia và diễn đàn nghị viện. Các quốc gia đối tác cũng có thể đồng ý với các tuyên bố chung của BRICS, từ đó tăng cường vị thể của nhóm trên trường quốc tế.
BRICS là một hiệp hội liên quốc gia, được thành lập vào năm 2006 bởi Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Nam Phi đã gia nhập khối vào năm 2011. Ngày 1/1/2024, 5 quốc gia Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chính thức gia nhập BRICS.
Thông tin mới nhất về Việt Nam, ngày 9/1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã phản hồi về khả năng gia nhập BRICS.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ có những đóng góp tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế, tổ chức diễn đàn đa phương và đóng góp vào trong hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và toàn cầu, phù hợp nhu cầu và lợi ích của Việt Nam.
Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
"Việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế đa phương, khu vực và quốc tế luôn được nghiên cứu, xem xét trên cơ sở phù hợp đường lối đối ngoại, cũng như điều kiện và khả năng của Việt Nam", Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Chu Văn