Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, các quan chức Áo đương nhiệm và tiền nhiệm đã nhiều lần công khai ý định cân nhắc về tư cách thành viên tiềm năng của nước này trong liên minh quân sự NATO, bất chấp việc Áo giữ quan điểm trung lập kể từ năm 1955.
Trả lời phỏng vấn tờ Welt của Đức, bà Meinl-Reisinger cho hay, "chỉ riêng sự trung lập không thể bảo vệ được Áo”. Bà nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có cả năng lực tự vệ mạnh mẽ hơn và quan hệ đối tác an ninh sâu sắc hơn.
Quân đội Áo. Ảnh: Wikiwand
"Tôi hoàn toàn cởi mở với việc có một cuộc tranh luận công khai về tương lai chính sách an ninh và quốc phòng của Áo. Mặc dù hiện tại đa số thành viên trong quốc hội và dân chúng không ủng hộ việc gia nhập NATO, nhưng cuộc tranh luận vẫn có thể mang lại nhiều kết quả tích cực”, bà Meinl-Reisinger nói.
Trên thực tế, dù Áo không phải là thành viên NATO, nhưng nước này đã tham gia nhiều sứ mệnh hòa bình do Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu và ủng hộ Chính sách an ninh và quốc phòng chung của EU.
Theo bà Meinl-Reisinger, thế trung lập không nên bị đánh đồng với việc thụ động. "Chúng ta không thể ngồi yên và nói: Nếu chúng ta không làm gì ai, sẽ không ai làm gì chúng ta cả. Thế giới đã thay đổi”, Ngoại trưởng Áo phát biểu.
Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Phần Lan và Thụy Điển đã đưa ra quyết định lịch sử là nộp đơn xin gia nhập NATO. Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4/2023 và Thụy Điển gia nhập liên minh vào tháng 3/2024.
Ukraine cũng đã nộp đơn xin gia nhập NATO theo thủ tục nhanh chóng vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, triển vọng NATO kết nạp Ukraine hiện vẫn vô cùng mờ nhạt.
Minh Thu