Ngày 19-2, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ bảy, áp dụng từ 1-3 cho đến hết năm học 2024-2025.
Theo đó, đối tượng áp dụng là các trường THCS, THPT và cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Trường học xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học 5 ngày/tuần phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, không ảnh hưởng đến tiến độ học tập và chất lượng giáo dục; tránh gây quá tải cho học sinh; bố trí hợp lý tiết dạy của giáo viên theo định mức quy định.
Tại TP.HCM, nhiều trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày đã cho học sinh nghỉ thứ bảy từ nhiều năm nay. Trong ảnh, học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP Thủ Đức trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành 2 lần khảo sát về chủ trương dạy học 5 ngày/tuần. Kết quả khảo sát cho thấy, đối với cấp THPT, GDTX, toàn tỉnh, 100% cán bộ quản lý, 92,39% giáo viên, 97,54% nhân viên, 87,78% học sinh và 86,19% phụ huynh đồng ý với phương án này.
Còn với cấp THCS, 100% cán bộ quản lý, 92,39% giáo viên, 97,54% nhân viên, 87,78% học sinh và 86,19% phụ huynh đồng ý với phương án này.
Căn cứ vào kết quả khảo sát lần hai, Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND tỉnh được triển khai dạy học 5 ngày/tuần ngay trong học kì II năm học 2024-2025.
Ngày 9-2, phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa đã có văn bản gửi Thành ủy, UBND TP về việc xin ý kiến cho phép triển khai dạy và học 5 ngày/tuần đối với các trường THCS trên địa bàn.
Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho biết việc tổ chức dạy học 5 ngày/tuần tạo điều kiện để các trường có thời gian vào thứ bảy, chủ nhật tổ chức các hoạt động giáo dục khác nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển toàn diện cho học sinh và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tương tự, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang nhìn nhận nếu triển khai tổ chức dạy học 5 ngày/tuần sẽ có thuận lợi như đồng bộ với lịch làm việc của cán bộ, công chức; của cơ quan quản lý giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý của gia đình.
Qua tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến từ các đơn vị đang thực hiện dạy học chương trình giáo dục phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên, có 83,2% các đơn vị trên toàn tỉnh đăng ký thí điểm dạy học 5 ngày/tuần. Việc thí điểm diễn ra cho đến hết năm học 2024-2025.
Một số địa phương đã triển khai dạy học 5 ngày/tuần ngay sau Tết Nguyên đán.
Từ 3-2-2025, 51/143 trường THCS và 18/27 trường THPT trong toàn tỉnh Ninh Bình thực hiện thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, học sinh được nghỉ thứ bảy.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, việc thí điểm trên nhằm đồng bộ, thống nhất ngày làm việc của cấp THCS, THPT với các cấp học khác (mầm non, tiểu học, giáo dục thường xuyên) và cơ quan hành chính.
Sự thay đổi này giúp nhà trường chủ động trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất thiết và đội ngũ giáo viên đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thời gian tự học.
Thời gian thí điểm kéo dài đến hết tháng 2. Kết thúc thí điểm, các trường tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, báo cáo, đề xuất với Sở GD&ĐT hoặc phòng GD&ĐT.
Từ học kỳ II, tại tỉnh Phú Thọ, 16 trường THPT, 22 trường THCS trên địa bàn tỉnh sẽ thí điểm dạy học 5 ngày/tuần.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, việc tổ chức dạy học 5 ngày/tuần, nghỉ học thứ bảy nhận được sự thống nhất, đồng thuận của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh nhà trường. Việc dạy học 5 ngày được các trường đảm bảo thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT, không gây quá tải cho học sinh và giáo viên.
Từ học kỳ II, tỉnh Yên Bái cũng thí điểm dạy học 5 ngày/tuần đối với học sinh THCS.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT khuyến khích cấp THCS, THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Trong hướng dẫn về việc dạy học 2 buổi/ngày với cấp trung học, Bộ GD&ĐT quy định nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với bậc THCS, 5 tiết với THPT; buổi chiều tối đa 3 tiết và một tuần không quá 6 ngày học, áp dụng cả hai cấp. Số tiết tối đa một tuần của học sinh THCS là 42, THPT là 48.
NGUYỄN QUYÊN