Thêm sao mạng triệu follow bị phong sát ở Trung Quốc

Thêm sao mạng triệu follow bị phong sát ở Trung Quốc
6 giờ trướcBài gốc
He Shijie bị giảm follow nhanh chóng sau phát ngôn bị cho là thiếu đồng cảm.
He Shijie, được biết đến rộng rãi trên mạng với tên tài khoản “Thầy ơi, em tên là He” (chữ gốc tiếng Trung chơi chữ với tên thật của anh), đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội sau khi đăng một bài viết trên Weibo vào ngày 11/4.
Trong bài đăng hiện đã bị xóa, chàng trai 26 tuổi nói rằng trước đây anh thường đồng ý với đề nghị chấm 5 sao của tài xế, nhưng thực tế lại không làm vậy. Anh cho biết từ nay sẽ chỉ đơn giản nói: “Xin lỗi, tôi không muốn”, rồi rời xe - hành động mà anh gọi là “thực hành sự trung thực và lòng can đảm”.
He hiện có hơn 12 triệu người theo dõi trên nền tảng video Bilibili và là một trong những influencer công nghệ có ảnh hưởng nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, phát ngôn lần này bị cho là thiếu tinh tế, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự cảm thông từ công chúng dành cho lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế gig.
Gig workers là những người làm việc tự do, không hợp đồng dài hạn, như tài xế xe công nghệ, shipper… Thu nhập của họ thường phụ thuộc vào đánh giá từ khách hàng.
He nổi lên từ năm 2019 nhờ một video thử nghiệm mạng 5G ở Trung Quốc, và được chú ý rộng rãi hơn sau buổi phỏng vấn CEO Apple Tim Cook vào năm 2021. Kênh Bilibili của anh chủ yếu chia sẻ các bài đánh giá thiết bị công nghệ, thử nghiệm thiết kế và các nội dung giải thích về công nghệ hướng đến đối tượng khán giả trẻ.
He Shijie phỏng vấn CEO Apple Tim Cook.
Dù một số người ủng hộ sự “giao tiếp trung thực” mà He đề cao, đa phần cư dân mạng lại cho rằng anh đang cư xử thiếu đồng cảm.
Một bình luận trên Weibo viết: “Anh ấy có quyền chấm sao tùy ý, nhưng không cần biến chuyện đó thành một cuộc thập tự chinh đạo đức”. Một người khác nói thêm: “Từ chối cấp trên mới cần dũng khí thật sự. Từ chối người yếu thế hơn mình thì chỉ thấy kiêu căng”.
Cơn giận dữ lan rộng khiến He mất hơn 21.000 lượt theo dõi trên chính nền tảng đã giúp anh vụt sáng là Bilibili.
Nhiều người cũng chỉ ra sự mỉa mai trong câu chuyện này: một nhà sáng tạo nội dung sống nhờ lượt thích và tương tác thuật toán lại đi khuyên người khác không nên “phân phát” sự ủng hộ mang tính biểu tượng. Hệ quả là hàng trăm nghìn người dùng đã ngừng nhấn thích các video của anh.
Trước He, những người có ảnh hưởng như "vua son môi" Li Jiaqi - một trong những livestreamer thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - và Yang Yue - một nhà sáng tạo nội dung hàng đầu trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) - từng phải trả giá vì các phát ngôn thiếu đồng cảm.
Những năm gần đây, làn sóng cảm thông trong dư luận Trung Quốc ngày càng nghiêng về phía tầng lớp lao động, đặc biệt là nhóm gig workers đang chịu áp lực lớn bởi giờ làm kéo dài, thu nhập ít và sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đánh giá của khách.
Chấm dưới 5 sao - dù là dịch vụ ổn - cũng có thể khiến tài xế mất một phần thu nhập, vì các nền tảng thường tính toán điểm chất lượng dịch vụ khắt khe. Trong khi đó, tài xế gần như không có cách nào để phản hồi hay khiếu nại nếu bị đánh giá không công bằng.
Một bài xã luận trên truyền thông nhà nước cũng đã lên tiếng, kêu gọi các nền tảng gọi xe cần áp dụng các cơ chế bảo vệ tài xế khỏi những đánh giá tùy tiện hoặc mang tính trừng phạt.
Lê Vy
Ảnh: Weibo
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/them-sao-mang-trieu-follow-bi-phong-sat-o-trung-quoc-post1546220.html