Người dân huyện Tủa Chùa (Điện Biên) cùng lực lượng kiểm lâm phát dọn thực bì phòng cháy rừng trong mùa hanh khô. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN
Cũng như nhiều chủ rừng khác trên địa bàn, ông Lò Văn Ý và các hộ dân ở bản Phiêng Ban, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên đã đến điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại trụ sở xã để làm thủ tục rút tiền dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng bản. Với số tiền này, ngoài phần trích cho hoạt động của thôn, bản, phần còn lại sẽ được chia đều cho các hộ dân trong bản.
Ông Lò Văn Ý chia sẻ, khi được chính quyền xã thông báo đến nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân trong bản rất phấn khởi. Với số tiền này, bà con trong bản thống nhất chia cho các hộ đi tuần bảo vệ rừng, đội ngũ phòng cháy, chữa cháy rừng và để sử dụng mua phân bón, cây trồng phát triển sản xuất. Từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện cuộc sống bà con và giúp người dân trong bản thêm động lực để cùng nhau tích cực bảo vệ rừng.
Từ khi Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thiết lập tài khoản, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân và các chủ rừng, Ngân hàng luôn thực hiện và đảm bảo việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng một cách nhanh, gọn, chính xác. Qua đó, đảm bảo cho các chủ rừng rút tiền được thuận lợi ngay tại các điểm giao dịch tại các xã trong huyện.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên cho biết: Để đảm bảo việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng kịp thời cho người dân, ngay khi Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng chuyển tiền vào tài khoản, đơn vị sẽ thông báo đến UBND cấp xã. Từ đó, chính quyền xã thông báo cho các chủ rừng đến điểm giao dịch cố định tại xã để Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện việc chi trả theo đúng quy định.
Người dân xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) tham gia phát dọn thực bì phòng cháy rừng trong mùa hanh khô. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN
Điện Biên có diện tích tự nhiên là 954.125 ha; trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 694.753 ha, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; diện tích rừng toàn tỉnh tương đối lớn với khoảng 419.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 44%. Tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 404.436 ha, diện tích đủ điều kiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 316.359 ha.
Theo ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh; giúp người dân vùng sâu, vùng xa cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Thu nhập bình quân của mỗi hộ dân tham gia bảo vệ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 2 triệu đồng/hộ/năm. Điển hình tại xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) có một số hộ dân có mức thu nhập từ chi trả dịch vụ môi trường rừng cao như: Cộng đồng bản Pa Ma, bình quân mỗi hộ nhận được 117 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Tả Ló San, bình quân mỗi hộ nhận được 110 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Long San, bình quân mỗi hộ nhận được 62 triệu đồng/năm... Với số tiền nhận được từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hộ dân sử dụng để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, một phần sử dụng chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao đời sống.
Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nậm Pồ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng. Ảnh: TTXVN phát
Năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã chi trả trên 211 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trước đó, giai đoạn 2019 - 2023, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng quỹ đã chi trả cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh là hơn 994 tỷ đồng. UBND tỉnh Điện Biên đã chủ động điều tiết số tiền chưa xác định được đối tượng chi, để bù đơn giá cho lưu vực thấp (như lưu vực sông Mã, một số lưu vực nội tỉnh...), tạo sự công bằng và khuyến khích công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa các chủ rừng và nhận được sự đồng thuận từ người dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, đồng thời huy động được một nguồn nhân lực lớn cho tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng hàng năm: Năm 2021 hơn 95.000 hộ, năm 2022 gần 96.000 hộ, năm 2023 trên 96.000 hộ. Tại những khu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân chú trọng hơn trong bảo vệ rừng, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Điều này góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện sinh thái rừng tại các địa phương.
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đem lại lợi ích cũng như gắn được trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn người dân ở các cộng đồng dân cư giáp ranh với rừng.
Xuân Tư (TTXVN)