Một nhóm du khách "săn" chim quý tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai).
Nói đến du lịch ngắm chim tại Việt Nam, không thể không nhắc đến nhà điểu học Nguyễn Hoài Bảo, người sáng lập Wildtour - đơn vị tiên phong và dày dặn kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực này. Anh Nguyễn Hoài Bảo cũng là một giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm nhiếp ảnh gia và nhà hoạt động xã hội vì môi trường.
Theo anh Bảo, từ thời điểm hiện tại (tháng 11) là mùa khô cho đến đầu mùa mưa vào năm sau (tháng 5) là khoảng thời gian lý tưởng để ngắm chim Việt Nam. Hai tháng cuối năm có thời tiết thuận lợi và đông đảo loài chim di cư từ phương bắc đến trú đông tại các vùng ngập nước ven biển từ Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) cho đến Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bến Tre ở miền nam...
Từ tháng 1 đến tháng 4 thì phù hợp tour du lịch ở các khu rừng nhiệt đới như: Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng), Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cúc Phương (Ninh Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... khi nhiều loài chim khoe tiếng hót lảnh lót, trưng trổ bộ lông rực rỡ.
Ở vùng đầm lầy nội địa là Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), không chỉ du khách mà nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, nhà khoa học... cũng thường xuyên tìm đến để được chiêm ngưỡng các loài chim định cư và di cư. Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (Thành phố Hồ Chí Minh), một người trẻ có ảnh hưởng trên mạng xã hội cho biết, anh đã đến Tràm Chim không dưới mười lần vì quá yêu thích hệ sinh thái nơi "vương quốc chim và hoa nước" này.
Vào mùa nước nổi hằng năm (khoảng tháng 8-tháng 11), Tràm Chim vào mùa chim sinh sản với nguồn thức ăn dồi dào cho muôn loài, mở ra nhiều tuyến tham quan kết hợp trải nghiệm đời sống hoang dã rất độc đáo. Mới đây, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Hà Nội), cây viết phóng sự nổi tiếng, cũng có chuyến ngắm chim tại Vườn quốc gia Tràm Chim và chia sẻ: "Thiên nhiên xâm chiếm tôi... Đi một, hai bước chân là ra bến thuyền, chụp những đàn chim đông đúc ngàn con một lần ào lên cất cánh, các toán chim sum vầy là điều thú vị nhất tôi từng thấy".
Đi để tận mắt ngắm nhìn những cánh chim khỏe khoắn tuyệt đẹp giữa sinh cảnh hoang dã của chúng đã trở thành sở thích, thói quen của những người yêu thiên nhiên trên toàn thế giới. Theo một số nghiên cứu, hoạt động quan sát, tìm hiểu chim ngoài tự nhiên bằng mắt thường hoặc một số thiết bị hỗ trợ xuất hiện và nhanh chóng thành xu hướng ở Anh vào thế kỷ 20, sau đó du nhập sang các nước châu Âu, Mỹ, Australia...
Ngày nay, loại hình này phát triển theo hướng đi du lịch đến những vùng đất hoang sơ để tìm hiểu, trải nghiệm, chụp ảnh chim quý hiếm cùng nhiều loài động vật hoang dã khác trong hành trình. Tại Việt Nam, từ những năm 1990, bắt đầu rải rác xuất hiện các nhóm du khách, chuyên gia quốc tế đến xem chim, tuy nhiên hầu hết là tự phát. Năm 2005, Wildtour (Công ty TNHH Dịch vụ nghiên cứu và Du lịch hoang dã) của Nguyễn Hoài Bảo cùng một số đồng nghiệp đã ra đời.
Với nền tảng là nghiên cứu khoa học cùng tâm huyết bảo tồn thế giới chim hoang dã, họ mất hơn ba năm khảo sát khắp các khu vực rừng, biển có chim hoang dã quý hiếm, xây dựng tour tuyến, xin cấp phép chính thức... khi du lịch ngắm chim còn quá ít người biết đến ở Việt Nam.
Từ thị trường ban đầu chủ yếu dành cho khách quốc tế, tập trung ở các nước phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ, sau năm 2015, tour ngắm chim Việt Nam có thêm nguồn khách từ Thái Lan, Singapore. Đến nay, lượng khách mở rộng thêm nhóm yêu thích sáng tác nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...
Chuyên gia điểu học Nguyễn Hoài Bảo nhấn mạnh, tour du lịch ngắm chim đem lại nhiều giá trị như: Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giải quyết nhu cầu lao động, tăng nguồn tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn, lan tỏa và khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường của cả khách tham quan lẫn người dân bản địa...
Những năm qua, bên cạnh việc tổ chức tour ngắm chim, liên kết với các đối tác quốc tế, Wildtour còn khởi xướng nhiều hoạt động nhân rộng tình yêu thiên nhiên, đặc biệt là tới giới trẻ. Có thể kể đến các ngày hội xem chim (Birdrace) ở các vườn quốc gia, sự kiện chào đón và tạm biệt chim di cư, các cuộc thi nhiếp ảnh về chim và thú hoang dã...
Dù tour du lịch ngắm chim thuộc phân khúc cao cấp với giá tour dài ngày trung bình dao động từ 3.000-6.000 USD/khách (khoảng 75-150 triệu đồng), đại diện Wildtour cho biết, đơn vị này đã kín chỗ mọi tour tới hết năm 2026. Tour ngắm chim ngắn ngày cũng có giá từ 2-3 triệu đồng, cao hơn các tour du lịch đại trà.
Song với những trải nghiệm giàu cảm xúc và khác biệt, tour ngắm chim tại Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng khai thác, thu hút tệp khách chi tiêu cao, những người có sức ảnh hưởng.
Có những vị khách giàu có hoặc chuyên gia tên tuổi thế giới đã đến và quay lại Việt Nam nhiều lần, lưu trú dài ngày, chi số tiền "khủng" chỉ để săn tìm, theo dấu một (hoặc vài) loài chim cực kỳ đẹp và quý hiếm, như sếu đầu đỏ, chim khướu xám, chim yến núi, gõ kiến xanh đầu đỏ, quạ khoang, hạc cổ trắng...
Có những loài chim chỉ sống ở Đà Lạt (Lâm Đồng), hoặc chỉ xuất hiện trên đỉnh Fansipan (giữa Lào Cai và Lai Châu)... và khi tìm đến những nơi này, du khách không chỉ được ngắm chim mà còn hòa mình vào phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng và trải nghiệm bản sắc văn hóa địa phương.
Trên thực tế, đã có nhiều mô hình bảo tồn chim quý kết hợp du lịch sinh thái rất thành công tại một số quốc gia. Chẳng hạn như ở New Guinea, các bộ tộc bản địa đã chuyển từ săn bắt sang bảo vệ chim thiên đường, một loài chim quý và đẹp để phục vụ du lịch nhiếp ảnh hoang dã. Tại Campuchia, chương trình bảo tồn các loài cò quắm lớn và quắm cánh xanh ở làng Tmatbouy không chỉ bảo vệ được quần thể chim mà còn tạo thu nhập cho người dân thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Ở Việt Nam, Vườn quốc gia Cát Tiên đến nay ước tính đã thu hút hơn 1.000 khách quốc tế chỉ để chụp ảnh loài chim đuôi cụt bụng vằn, hay tương tự Vườn quốc gia Tràm Chim đã thu hút rất nhiều khách đến xem và chụp hình các loài chim nước trong môi trường thiên nhiên hoang dã đặc trưng của vùng đầm lầy, mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp lữ hành và vườn quốc gia.
Theo anh Bảo, xu hướng ngày nay của cả thế giới là khai thác thiên nhiên để phát triển du lịch theo hướng lâu dài và bền vững. Để làm được như vậy, cần chứng minh được giá trị kinh tế của việc bảo tồn, truyền cảm hứng bảo vệ chim và muôn loài khác tới cộng đồng dân cư, khách du lịch. Anh Bảo cũng cho biết về một số khó khăn khiến du lịch ngắm chim Việt Nam chưa phát huy được hết giá trị.
Cơ sở vật chất tại các điểm ngắm chim nhìn chung còn hạn chế, rất ít nơi có thể đáp ứng tiêu chuẩn ăn nghỉ cơ bản sạch sẽ cho du khách giống như khách sạn Chim Hoang Dã (Wildbird) ở Vườn quốc gia Tràm Chim hay khu phòng nghỉ của Vườn quốc gia Cát Tiên đang có.
Bên cạnh đó, nguồn hướng dẫn viên cho tour đặc thù này cũng rất thiếu và yếu, họ không chỉ cần nghiệp vụ du lịch mà còn phải được đào tạo về sinh thái, có tình yêu thiên nhiên hoang dã. Nạn săn bắt bừa bãi, tận diệt chim trời, phá hoại môi trường sống của chim cũng là vấn đề nan giải cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan để ngăn chặn...
Hiện nay, có khoảng 10 công ty nội địa đang khai thác các tour ngắm chim, chụp ảnh chim khắp Việt Nam. Anh Nguyễn Lương Dũng, Giám đốc Vietnature Tour, một chuyên gia lâm nghiệp và là cựu nhân viên Trung tâm Du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên, bày tỏ: "Lĩnh vực du lịch gắn với thiên nhiên hoang dã đang có dấu hiệu khởi sắc ở Việt Nam, gắn với những thay đổi tích cực trong tư duy về cách làm du lịch bền vững, cũng như bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học"
Theo Baonhandan