Theo chân cán bộ đi đặt 'bẫy ảnh' động vật quý hiếm giữa đại ngàn Pù Huống

Theo chân cán bộ đi đặt 'bẫy ảnh' động vật quý hiếm giữa đại ngàn Pù Huống
3 ngày trướcBài gốc
Lực lượng kiểm lâm Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bình Chuẩn vượt suối di chuyển trong đại ngàn Pù Huống.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, trải rộng trên hơn 120 bản của 15 xã thuộc 5 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Với diện tích gần 46.500 ha, trong đó hơn 40.150 ha là rừng đặc dụng. Đây là một hành lang xanh quan trọng, kết nối môi trường, sinh cảnh và hệ sinh thái, góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng Bắc Trung Bộ và miền Tây Nghệ An.
Cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và Vườn quốc gia Pù Mát, Pù Huống được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007.
Những năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn Pù Huống đã áp dụng công nghệ bẫy ảnh để giám sát và đánh giá chính xác nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại đây.
Công việc này đòi hỏi nỗ lực lớn, khi đội ngũ thực hiện phải trèo đèo, lội suối tiếp cận các vị trí đặt bẫy ảnh. Có những chuyến đi kéo dài nhiều ngày, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lực lượng tham gia đặt bẫy ảnh phải ngủ trong rừng sâu để hoàn thành công việc.
Một số hình ảnh cán bộ đi đặt bẫy ảnh động vật quý hiếm giữa đại ngàn Pù Huống, Nghệ An.
Lực lượng kiểm lâm Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bình Chuẩn tiếp cận tọa độ đặt thiết bị trong Tiểu khu 729.
Cán bộ kiểm lâm tháo dây đai chuẩn bị cột chặt gắn cố định vào thân cây.
Phát dọn sạch sẽ cây bụi, lớp thực bì trong khoảng trống rộng khoảng từ 6 đến 10m2 trước thân cây đặt bẫy ảnh để tạo trường ảnh tốt, tránh trường hợp bẫy tự động chụp cây cối khi có gió tác động lay chuyển.
Dưới mỗi thân cây đặt bẫy ảnh được xếp rải một lớp cành cây để tránh bùn, đất bắn lên khi trời có mưa khỏi ảnh hưởng đến thiết bị, chất lượng hình ảnh khi hoạt động.
Tạo lập vị trí để cố định trên thân cây thẳng, không có dây leo, mối mọt, độ cao cách mặt đất từ 20 đến 60cm.
Chuẩn bị gắn thiết bị lên thân cây sau khi đã gọt đẽo được vị trí đặt.
Bẫy ảnh thiết lập trên thân cây theo phương thẳng đứng, mắt camera được bố trí vuông góc với hướng mặt trời mọc và lặn để các bức ảnh được chụp không bị ngược sáng.
Sau khi cố định máy trên thân cây, cán bộ kiểm lâm cài đặt, kiểm tra lại tình trạng hoạt động của thiết bị.
Kiểm tra lần cuối cùng trước lúc rời hiện trường để tránh các loài động vật phát hiện. Sau thời gian từ 2 đến 3 tháng, lực lượng kiểm lâm mới quay trở lại để thu hình ảnh.
Thiết bị hoạt động thông qua cảm biến thân nhiệt. Đây là phương tiện hữu ích giúp quan sát vị trí không gian sống và hành vi của các cá thể động vật quý hiếm trong tự nhiên; đánh giá mức độ đa dạng sinh học ở các khu vực rừng núi xa xôi khó tiếp cận.
Ngoài việc ghi chép tỉ mỉ các thông tin về thời gian, vị trí, môi trường tại nơi đặt bẫy ảnh, lực lượng kiểm lâm còn sử dụng hệ thống định vị GPS để xác định tọa độ nơi đặt thiết bị để giám sát, theo dõi, tránh thất lạc.
Lực lượng kiểm lâm Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Bình Chuẩn cùng người dân địa phương tham gia đi đặt bẫy ảnh.
Gia MInh - Hải An
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/theo-chan-can-bo-di-dat-bay-anh-dong-vat-quy-hiem-giua-dai-ngan-pu-huong-169241226214800617.htm