Đại thắng mùa Xuân 1975
Quân giải phóng đánh chiếm sây bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Ảnh: Quang Thành/TTXVN
Mùa Xuân năm 1975, sau khi mất toàn bộ Quân khu 1 và 2, một nửa binh lực của quân Ngụy đã bị tiêu diệt, trong thế tan rã chiến lược hầu như không thể cứu vãn, địch vẫn ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể "mặc cả" với ta trong trường hợp dẫn đến thương lượng hòa bình. Chúng lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa như: Tập đoàn phòng ngự Phan Rang, tập đoàn phòng ngự Xuân Lộc, sau đó là tập đoàn phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 18/4/975, ta tiến công Phan Rang, đập tan tuyến phòng ngự của địch ở đây, bắt sống Trung tướng Tư lệnh mặt trận Nguyễn Vĩnh Nghi. Ngày 20/4, trước sức tiến công của quân ta, Sư đoàn 18 Ngụy tháo chạy, Xuân Lộc thất thủ. Các tuyến phòng ngự từ xa đã bị phá vỡ, địch co về phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn với 3 tuyến phòng ngự: vòng ngoài (bán kính 25 - 30 km), vòng ven và nội đô.
Trước đó, vào ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, “đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Tin chiến dịch được mang tên Bác đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới, thúc đẩy việc chuẩn bị, sẵn sàng cho chiến dịch.
Sau khi đã hoàn thành công tác chuẩn bị và tập trung một khối lượng rất lớn lực lượng và phương tiện trong thời gian ngắn nhất ở vùng kế cận Sài Gòn, chiều 26/4/1975, ta nổ súng mở màn chiến dịch. Từ năm hướng, các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn.
Từ 26 đến 28/4/1975, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Từ chiều 28/4, các cánh quân Ngụy không còn nhận được lệnh từ Tổng hành dinh và các tướng chỉ huy nữa vì họ đã tháo chạy ra nước ngoài. Cùng với thế tiến công của lực lượng quân chủ lực của quân ta, trong thời gian này, quần chúng Sài Gòn - Gia Định đã nổi dậy.
Từ trưa 30/4/1975, nhân dân thành phố đổ ra đường, với cờ hoa, đón các chiến sĩ Giải phóng. Cuộc Tổng tiến công đã giành thắng lợi trọn vẹn, Sài Gòn rực rỡ cờ hoa. Thành công này có sự góp sức to lớn của Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định.
Trước đó, ngày 29/4/1975, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công. Sáng 30/4, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. Các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngày 1/5, toàn bộ lực lượng còn lại của quân Ngụy tan rã, ta giải phóng miền Nam, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Là người trực tiếp chứng kiến không khí người dân thành phố Sài Gòn - Gia Định mừng chiến thắng trong ngày 30/4/1975, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có sự đóng góp rất lớn của nhân dân Sài Gòn - Gia Định. Trước những tình thế khó khăn, hiểm nghèo dưới chế độ Mỹ - Ngụy, đồng bào miền Nam vẫn một lòng đi theo cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, quân và dân miền Nam luôn anh dũng, kiên cường đấu tranh chống chế độ Mỹ - Ngụy. Lòng dân luôn hướng theo Đảng, Đảng luôn ở trong dân.
Theo Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng), trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Đảng bộ và quân dân Sài Gòn đã chủ động xây dựng lực lượng, chớp thời cơ nổi dậy cùng năm mũi tiến công của bộ đội chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, làm sụp đổ chế độ tay sai của Mỹ. Chính sức mạnh của đòn tiến công quân sự mạnh mẽ của bộ đội chủ lực, cùng với sự nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân, đã góp phần quyết định giải phóng thành phố mau lẹ, giữ gần như nguyên vẹn cơ sở vật chất của một thành phố trung tâm của chế độ cũ, tạo điều kiện cho cuộc sống mới hồi sinh sau chiến tranh. “Đó cũng là một điều hiếm có trong lịch sử các cuộc chiến tranh lớn trên thế giới”, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nhấn mạnh.
Tỏa sáng trong kỷ nguyên mới
Đô thị TP Hồ Chí Minh phát triển năng động, hiện đại bên dòng sông Sài Gòn. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Hòa chung vào công cuộc xây dựng đất nước, từ năm 1975 đến nay, trong bối cảnh vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn thách thức, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bến bỉ, năng động, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Minh chứng rõ ràng nhất là năm 2005, Thành phố đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý nhất Thành phố Anh hùng”, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn bắt đầu đổi mới của đất nước, TP Hồ Chí Minh là khởi nguồn của nhiều chính sách, nhiều cơ chế mới của đất nước; là nơi thí điểm các chính sách, đặc biệt là các chính sách về kinh tế thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Được, đây cũng là mảnh đất mà tinh thần của sự chủ động, năng động, sáng tạo luôn được phát huy, là điểm nổi bật của Thành phố.
Năm mươi năm qua, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có sự phát triển vượt bậc, giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước. Chỉ tính riêng trong năm 2024, Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,17%; thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Quy mô kinh tế Thành phố đạt 1,78 triệu tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD, chiếm khoảng 17% cả nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 104 tỷ USD. Thành phố tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng và quy mô các dự án FDI với hơn 13.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 58 tỷ USD.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đang hướng đến trở thành đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của cả nước, là cửa ngõ kết nối khu vực và thế giới. Đồng thời, Thành phố xây dựng không gian theo hướng đa trung tâm, đa chức năng và hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, hướng đến năm 2045 là thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Trong lĩnh vực văn hóa, TP Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Thành phố đã khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh với hơn 2.200 doanh nghiệp, chiếm 50% doanh nghiệp toàn quốc; thương mại điện tử tăng trưởng 52%, cao nhất cả nước.
Ông Nguyễn Văn Được cho rằng, không chỉ là điển hình của sự đổi mới, TP Hồ Chí Minh còn là nơi hội tụ và phát triển các giá trị văn hóa, là trung tâm giáo dục và đào tạo của cả nước. Đây là kết quả từ sự đầu tư không ngừng nghỉ và tinh thần đổi mới sáng tạo, bên cạnh yếu tố thuận lợi về lịch sử, vị trí địa chính trị - kinh tế.
"Nửa thế kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh thấu hiểu chặng đường trải qua với rất nhiều thăng trầm và hy sinh, đóng góp của biết bao thế hệ để đạt được kết quả đáng tự hào hôm nay. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi, là vấn đề có tính nguyên tắc, tính quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong quá khứ và càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Thành phố đã đặt ra mức tăng trưởng năm 2025 là hai con số, ít nhất là 10%. Đây vừa là “mệnh lệnh" của cả nước, vừa là khát vọng lớn lao.
“Năm 2025 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá, có quyết tâm chính trị cao, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, từ đầu tư, tiêu dùng đến xuất khẩu, có bước đột phá có hiệu quả cao trong chuyến đổi số, chuyển đối xanh như Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 30/12/2022 và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 đã chỉ ra. Đồng thời, nếu truyền thống kiên cường, dũng cảm; những đức tính căn cơ của người dân Thành phố như năng động, sáng tạo, hào sảng, nghĩa tình, tiên phong, hội nhập, hiện đại... được khơi dậy cao độ, có sự đồng lòng trên dưới, ý Đảng luôn hợp lòng dân, chúng ta hoàn toàn kỳ vọng thành tựu mới dù rất cao sẽ đến với TP Hồ Chí Minh”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Biên phân tích.
TP Hồ Chí Minh đang tràn đầy khát vọng vươn lên những tầm cao mới và truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, chính là động lực để Thành phố luôn hội tụ và tỏa sáng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Anh Tuấn (TTXVN)