Theo dấu vẻ đẹp ngàn năm trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ

Theo dấu vẻ đẹp ngàn năm trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ
2 giờ trướcBài gốc
Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối giữa châu lục Á-Âu, là mảnh đất giao thoa của văn hóa, tôn giáo và lịch sử hàng nghìn năm. Khắp mọi miền của đất nước xinh đẹp này, du khách có thể bắt gặp những dấu tích thành cổ rêu phong xen lẫn với mái vòm uốn lượn của các thánh đường Hồi giáo nguy nga.
Nếu đang lên kế hoạch khám phá nơi đây, hãy sẵn sàng đắm mình trong khúc giao hưởng của huyền thoại, kiến trúc và cảnh sắc ngoạn mục khiến bạn phải trầm trồ.
Göbekli Tepe: Đền thờ cổ nhất nhân loại
Ẩn mình trên một đỉnh đồi lộng gió thuộc vùng Đông Nam Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, Göbekli Tepe không chỉ là một khu di tích mà là “bước ngoặt mang tính cách mạng của loài người về lịch sử văn minh”.
Với niên đại hơn 11.000 năm tuổi, công trình này được xác định là đền thờ lâu đời nhất từng được con người xây dựng, vượt xa tuổi đời của Stonehenge (Anh) và Kim tự tháp Giza (Ai Cập) tới hàng thiên niên kỷ.
Gobekli Tepe là quần thể đá cổ nhất thế giới, đồng thời là đền thờ đầu tiên trên thế giới. (Nguồn: gsm.vietnam)
Göbekli Tepe trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nghĩa là “ngọn đồi bụng”, phát hiện lần đầu vào năm 1963 nhưng chỉ thực sự được nhà khảo cổ người Đức Klaus Schmidt khai quật một cách nghiêm túc từ năm 1994.
Từ đó, địa điểm này đã làm rung chuyển giới khảo cổ bởi những gì nó chứa đựng đằng sau: Con người thời kỳ đồ đá mới (Neolithic) khi chưa biết đến nông nghiệp ổn định hay luyện kim đã có khả năng tổ chức lao động để xây dựng công trình đồ sộ, phục vụ cho các nghi lễ tâm linh và xã hội.
Điều đặc biệt là Göbekli Tepe đảo ngược hoàn toàn giả định truyền thống. Trước đây, các học giả tin rằng nông nghiệp dẫn đến định cư, từ đó mới sinh ra tôn giáo và tổ chức xã hội. Tuy nhiên, Göbekli Tepe cho thấy điều ngược lại: Nhu cầu tụ họp nghi lễ và tín ngưỡng tôn giáo có thể chính là động lực thúc đẩy con người định cư và sáng tạo nông nghiệp.
Ngày nay, khi đến thăm Göbekli Tepe, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một trong những công trình mang tính biểu tượng của nền văn minh sơ khai, mà còn có cơ hội ngược dòng thời gian về thời điểm con người bắt đầu tin tưởng và cùng nhau xây dựng cộng đồng vì sinh tồn, cũng là vì niềm tin vào điều thiêng liêng.
Ephesus: Dạo bước trong thành phố La Mã
Từng là một hải cảng sầm uất nằm ở phía Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Ephesus ngày nay vẫn gìn giữ được nhiều dấu tích rực rỡ của một nền văn minh vĩ đại.
Những con đường lát đá cẩm thạch, các mái vòm cao vút và cột trụ chạm khắc tinh xảo khiến du khách như lạc vào một bảo tàng kiến trúc ngoài trời. Trong số đó, nổi bật nhất phải kể đến đền thờ Artemis - công trình được UNESCO vinh danh là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.
Thành phố cổ Ephesus. (Nguồn: Toursce)
Không chỉ mang giá trị lịch sử và nghệ thuật, Ephesus còn được xem là vùng đất quan trọng trong hành trình khai sinh và truyền bá Kito giáo. Theo Kinh Thánh, nơi đây từng gắn bó với hai vị Thánh Tông đồ là John và Paul.
Nhiều người tin rằng sách Phúc âm John đã được viết tại chính vùng đất này và đặc biệt, Ephesus cũng là nơi Đức Mẹ Mary từng an cư trong khoảng ba năm cuối đời.
Dạo bước trong lòng thành phố cổ này, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước quy hoạch đô thị tỉ mỉ và trình độ xây dựng đáng kinh ngạc của người La Mã. Nơi đây như mở ra bức tranh sống động về đời sống La Mã cổ đại, đồng thời phản ánh rõ nét đỉnh cao phát triển của xã hội thời kỳ hoàng kim.
Hattusha: Tiếng gọi từ đế chế huy hoàng
Nằm ở phía Bắc thủ đô Ankara, Hattusha từng là kinh đô của đế chế Hittite – một trong những siêu cường của thế giới cổ đại, sánh ngang với Ai Cập và Babylon.
Ngay khi bước chân vào Hattusha, du khách sẽ bắt gặp những cổng thành đá khổng lồ, nổi tiếng nhất là cổng Sư tử và cổng Nhân sư, được chạm khắc kỳ công bằng đá vôi. Đây không chỉ là công trình phòng thủ, mà còn phản ánh trình độ kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật điêu khắc bậc thầy của người Hittite từ thế kỷ XIV TCN.
Thành phố còn được quy hoạch chặt chẽ với những tường thành vững chắc, các đền thờ linh thiêng và hoàng cung, tiêu biểu là ngôi đền Lớn thờ thần bão Hadad – vị thần tối cao của người Hittite.
Hattusa là tàn tích của thành phố cổ từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới cổ đại. (Nguồn: Go Turkiye)
Ngoài kiến trúc đồ sộ, Hattusha được biết đến với kho tư liệu bằng chữ hình nêm trên đất sét, cho thấy một nền hành chính và luật pháp phát triển sớm.
Ngày nay, Hattusha được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1986, trở thành điểm đến không thể bỏ qua với những ai yêu thích khảo cổ học và lịch sử cổ đại.
Dạo bước giữa những tường thành cổ kính và những phiến đá "kể chuyện", du khách như lạc vào một quá khứ huy hoàng – nơi từng có một đế chế hùng mạnh giữa lòng thảo nguyên.
Olympos và Phaselis - Những vết tích còn vang vọng của quá khứ
Dọc theo đường bờ biển Địa Trung Hải, tàn tích Olympos và Phaselis là nơi giao hòa giữa thiên nhiên và lịch sử.
Tàn tích Olympos. (Nguồn: Tourist Information)
Olympos ẩn mình giữa rừng xanh, mang vẻ huyền bí như bước ra từ truyền thuyết, trong khi Phaselis lại nằm kề bên làn nước trong vắt như pha lê.
Xưa kia, cả hai từng là những hải cảng quan trọng, kết nối Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây qua các tuyến giao thương và giao lưu văn hóa.
Ngày nay, khung cảnh yên bình nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng để bạn thong thả khám phá và trầm tư suy ngẫm.
Tàn tích Phaselis. (Nguồn: pngtree)
Các đại thánh đường Ottoman
Đường chân trời Istanbul trở nên độc đáo nhờ những thánh đường Hồi giáo tráng lệ. Mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật phản ánh chiều sâu của tín ngưỡng và tinh thần tôn giáo.
Đây không chỉ là nơi hành lễ, mà còn phản ánh tầm vóc và khát vọng vươn xa của cả một đế chế. Giữa nhịp sống hối hả, các mái vòm và tháp nhọn vươn cao trên các con phố như khiến người ta chậm lại, ngước nhìn và suy ngẫm.
Khi đặt chân đến những công trình ấy, bạn sẽ hiểu vì sao chúng luôn giữ một vị trí đặc biệt – cả trong đời sống thường nhật lẫn dòng chảy lịch sử.
Thánh đường Süleymaniye. (Nguồn: Vikipedi)
Hai thánh đường nổi bật nhất Istanbul là Blue Mosque và Suleymaniye. Đây đều là những điểm đến không thể bỏ lỡ khi ghé thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Blue Mosque gây ấn tượng với những viên gạch men xanh Iznik nổi bật cùng kiến trúc hài hòa, cân đối.
Không xa đó, thánh đường Suleymaniye thể hiện đỉnh cao kỹ thuật xây dựng cùng chiều sâu tâm linh của một thời kỳ rực rỡ.
Các công trình mang đến cho du khách cơ hội đắm mình trong không gian thanh tĩnh, thưởng thức nghệ thuật và văn hóa Istanbul một cách trọn vẹn nhất.
Các thánh đường lịch sử vùng Anatolia
Vùng đất Anatolia lưu giữ các thánh đường Hồi giáo độc đáo, mang trong mình sự giao thoa giữa truyền thống vùng miền và những sáng tạo vượt khuôn mẫu.
Tản bộ trên cao nguyên gió lộng, bạn sẽ bắt gặp đại giáo đường Divriği - kiệt tác đá ẩn mình giữa thị trấn nhỏ cùng tên, được xây dựng từ 1228-1229 ở triều đại nhà Mengüjek.
Công trình này không chỉ là nơi hành lễ mà còn là minh chứng sống động cho đỉnh cao kiến trúc Seljuk. Những cánh cổng đá chạm khắc hoa văn đối xứng đến mức siêu thực, tựa hồ như mỗi họa tiết đang thì thầm một lời nguyện cổ xưa.
Đại giáo đường Divriği. (Nguồn: Holamon.cat)
(tổng hợp)
Tố Uyên
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/theo-dau-ve-dep-ngan-nam-tren-dat-nuoc-tho-nhi-ky-322418.html