Theo dõi nước biển dâng bằng ảnh vệ tinh

Theo dõi nước biển dâng bằng ảnh vệ tinh
6 giờ trướcBài gốc
Đảo Hòn Mao (Khánh Hòa). Ảnh minh họa: INT
Xác định chính xác
Các nghiên cứu gần đây cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng có các biểu hiện rõ rệt. Đặc biệt, mực nước biển có xu hướng tăng với tốc độ lớn hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước kia sẽ tác động lớn đến tài nguyên môi trường ở các vùng ven biển.
Việc nghiên cứu về xu thế dâng cao của mực nước biển có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng. Tuy nhiên, dữ liệu đo mực nước tại hệ thống các trạm hải văn ven biển và đảo ở nước ta hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế về không gian (thưa thớt) và thời gian đo (chỉ số ít trạm đo từng giờ).
Nhiệm vụ “Nghiên cứu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh, đánh giá mực nước dâng do biến đổi khí hậu ở vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ” được triển khai trong khuôn khổ chương trình hợp tác khoa học công nghệ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) và Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) do TS Vũ Duy Vĩnh - Viện Tài nguyên và Môi trường biển (nay là Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường) làm chủ nhiệm phía Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học của IRD và Phòng thí nghiệm Không gian Địa vật lý và Hải dương học (LEGOS), đơn vị đồng phát triển hệ thống dữ liệu ảnh vệ tinh AVISO.
Nhờ hợp tác này, các cán bộ của Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường đã có cơ hội trao đổi, thảo luận và làm việc trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực viễn thám hải dương, làm cơ sở cho việc khai thác/sử dụng nguồn dữ liệu vệ tinh khổng lồ cho nghiên cứu các quá trình vật lý hải dương tại Viện Hàn lâm.
Nhóm đã phân tích xu thế dâng cao mực nước biển tại một số trạm đo ở khu vực Vịnh Bắc Bộ như Cô Tô, Hòn Dấu, Bạch Long Vỹ và Hòn Ngư và so sánh với kết quả phân tích từ dữ liệu ảnh vệ tinh (AVISO và Copernicus) giai đoạn 1993 - 2022.
Qua phân tích cho thấy, số liệu mực nước dị thường tại các trạm Hòn Dấu và Bạch Long Vỹ có mức độ tương đồng cao với dữ liệu ảnh vệ tinh, với hệ số tương quan R² dao động từ 0,743 - 0,837. Điều này thể hiện độ tin cậy của nguồn dữ liệu viễn thám trong đánh giá biến động mực nước biển.
Tại các trạm Cô Tô và Hòn Ngư, hệ số tương quan thấp hơn (R² từ 0,36 đến 0,39), phản ánh ảnh hưởng của điều kiện địa hình ven bờ và chất lượng của nguồn số liệu đo đạc.
Thay thế dữ liệu đo tại các trạm hải văn
Đánh giá về tiềm năng phát triển của nghiên cứu, TS Vũ Duy Vĩnh cho biết, mặc dù vẫn tồn tại sai khác nhất định giữa dữ liệu đo và dữ liệu ảnh vệ tinh, nhất là ở các khu vực ven bờ do ảnh hưởng của các quá trình tương tác lục địa - biển, nhưng dữ liệu ảnh vệ tinh với các kỹ thuật xử lý ảnh tiên tiến và sự phát triển của công nghệ vệ tinh đã và đang trở thành nguồn dữ liệu bổ sung và thay thế có hiệu quả cho các nguồn dữ liệu đo tại các trạm hải văn ở Việt Nam hiện nay.
Với nền tảng hợp tác sẵn có và năng lực kỹ thuật được củng cố qua nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đề xuất mở rộng phạm vi phân tích ở các vùng biển khác với mức độ chi tiết cao hơn.
Hướng đi này sẽ tích hợp dữ liệu từ mạng lưới trạm hải văn quốc gia và dữ liệu ảnh vệ tinh Copernicus - hợp phần Quan sát Trái đất, thuộc Chương trình Không gian của Cộng đồng châu Âu. cùng các nguồn dữ liệu ảnh vệ tinh toàn cầu, nhằm nâng cao độ chính xác trong đánh giá và dự báo xu thế dâng cao mực nước biển.
Đồng thời, nhóm cũng kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế với IRD và LEGOS để cập nhật công nghệ mới cũng như mở rộng các hướng nghiên cứu liên ngành hỗ trợ phòng chống thiên tai và các tai biến ở vùng bờ, thích ứng với BĐKH phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững trong tương lai.
Ngoài ra, nhiệm vụ còn góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ trong nước thông qua việc nắm bắt được các phương pháp, cách thức khai thác, sử dụng và phân tích dữ liệu ảnh vệ tinh hiện đại.
Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng các hướng nghiên cứu liên ngành từ dữ liệu ảnh vệ tinh trong tương lai. Kết quả bước đầu của nhiệm vụ đã được công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCIE và tạp chí trong nhóm VAST2, đồng thời hỗ trợ đào tạo một nghiên cứu sinh.
Nhật Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/theo-doi-nuoc-bien-dang-bang-anh-ve-tinh-post739279.html