Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Về thông tin người sử dụng đất trên giấy chứng nhận, theo Thông tư 14/2023/TT-BTNMT, cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…” hoặc “số định danh cá nhân:…;
Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn đều không quy định giới hạn độ tuổi được cấp sổ đỏ. Do vậy, cá nhân ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Song, Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 lại quy định về độ tuổi khi thực hiện các giao dịch dân sự như sau: Người chưa đủ 6 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Do vậy, trường hợp muốn cho trẻ em đứng tên sổ đỏ thì trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật của trẻ đó.
Trường hợp trẻ em là đối tượng được nhận tặng cho bất động sản thì khi làm thủ tục nhận tặng cho phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật và trong sổ đỏ phải có tên của người đại diện và sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.
Ngoài ra, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, miễn thuế thu nhập từ nhận đối với thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
Nghị định 10/2022/NĐ-CP cũng quy định miễn lệ phí trước bạ với nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể...
Và theo khoản 1 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015, khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng. Nếu di sản thừa kế là bất động sản thì khi thai nhi sinh ra sẽ được nhận thừa kế và cũng được đứng tên trên sổ đỏ nếu được người đại diện theo pháp luật của đứa trẻ mới sinh xác lập, thực hiện.
Như vậy, có thể thấy, việc trẻ em được nhận thừa kế hoặc tặng cho là bất động sản ở các trường hợp nêu trên thì được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Pháp luật hiện không có quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên trên sổ đỏ nên về nguyên tắc, trẻ em có thể được đứng tên sổ đỏ.
H.L