Đã biết thân thế, sự nghiệp vị Tam nguyên Yên Đỗ, hiểu thơ qua lời thầy giảng ở trường, nhưng mãi khi đặt chân đến làng Vị Hạ, thăm Từ đường Nguyễn Khuyến mới cảm nhận được tâm tư, tình cảm trong những bài thơ cụ sáng tác, hiểu thêm bối cảnh xã hội Việt Nam xưa.
Điểm đến thú vị
Từ đường Nguyễn Khuyến ẩn dật trong làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đây là khu di tích thường xuyên có khách đến thăm, nên hỏi là được người dân chỉ đường ngay.
Làng Vị Hạ là nơi họ nội Nguyễn Khuyến sinh cơ lập nghiệp, nơi cụ về ở ẩn khi từ quan vào năm 1884 và qua đời tại đây. Di tích Từ đường Nguyễn Khuyến là khu nhà xưa cụ đã sinh sống. Khi 29 tuổi, đỗ đầu thi Hương ở trường Nam Ðịnh; 6 năm sau, Nguyễn Khuyến liên tiếp đỗ Hội nguyên rồi Ðình nguyên, nên người đời gọi là "Tam nguyên Yên Ðỗ" (tức người Yên Đỗ đỗ đầu 3 kỳ thi).
Từ đường 3 gian, nơi thờ nhà thơ, nhuốm màu thời gian hơn 100 năm
Chúng tôi lần giở những bài thơ, đối chiếu dữ liệu từ thơ đến thực tế để hiểu hơn về di tích. Theo một số tài liệu văn học chú thích, Vườn Bùi là địa danh xưa chỉ một vùng bao gồm làng Vị Hạ (còn gọi là làng Và). Sau khi từ chối chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên và cáo quan về ở ẩn, trong bài thơ "Trở về Vườn Bùi", Nguyễn Khuyến viết: "Vườn Bùi chốn cũ/ Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây".
Ông Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến - kể năm 1843, dân Vị Hạ tự nguyện mua đất rồi đóng góp công sức làm nhà đón cụ Nguyễn Liễn - cha của nhà thơ - về dạy học ở xứ Vườn Bùi, cũng làm nơi ở cho gia đình cụ. Khi nghỉ hưu, Nguyễn Khuyến về xây dựng nhà mới trên một mảnh đất khác nhưng cũng tại Vườn Bùi.
Đọc trong bài thơ "Thu ẩm" thấy tả: "Năm gian nhà cỏ thấp le te/ Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe". Nhưng đến bài "Hạ nhật ngẫu thành", lại thấy tả: "Ta về nghỉ đã năm sáu năm/ Nơi ở có ngôi nhà bảy gian".
Lạch nước cạnh ao thu trong khu vườn ở Di tích Từ đường Nguyễn Khuyến
Ông Tùng cho biết năm 1884, cụ làm nhà 5 gian. Đến năm 1889, con trai nhà thơ là Phó bảng Nguyễn Hoan đã mua thêm đất mở rộng ra tới 9 sào, dựng nhà gỗ, trước 7 gian, sau 3 gian, cách nhau một sân nhỏ, bên ngoài là cổng gạch. Rất tiếc, 6 năm sau khi nhà thơ qua đời, cháu đích tôn của nhà thơ đã bán 7 gian nhà đằng trước, chỉ còn 3 gian đằng sau làm từ đường thờ nhà thơ.
Nhiều kỷ vật giá trị
Từ đường Nguyễn Khuyến được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991. Ngôi nhà 7 gian trước từ đường được nhà nước xây dựng lại vào năm 2004 trên nền nhà cũ.
Từ đường nhuốm màu thời gian hơn 100 năm, mỗi gian có bốn cánh cửa, nhà làm theo kỹ thuật ghép mộng, chạm khắc không cầu kỳ. Gian giữa đặt ban thờ cụ Nguyễn Khuyến. Bức ảnh cụ đầu đội khăn lượt, mặc áo dài, tay nâng chén rượu, chụp lúc sinh thời, được đặt trang trọng trên ban thờ.
Ban thờ cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến
Ông Tùng cho biết bức ảnh chụp năm cụ 74 tuổi. Bức tượng màu đen trên ban thờ là do gia đình nhờ người làm dựa theo hình ảnh cụ lúc 50 tuổi, vừa từ quan về. Ở ban thờ còn lưu giữ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời nhà thơ: hai hòm gỗ đựng sách và tư trang từng theo thư sinh Nguyễn Khuyến đến trường thi; hai ống quyển để lưu giữ văn bài.
Từ đường lưu giữ hai bằng sắc "Ân tứ vinh quy" và "Nhị giáp tiến sĩ" do vua Tự Đức ban cho Tam nguyên Yên Đỗ; bài thơ của tiến sĩ Dương Khuê làm năm 1871, khắc trên cuốn thư mừng Nguyễn Khuyến đỗ đầu ba khoa và câu đối của Tổng đốc Ninh Thái Bùi Ước làm tặng nhà thơ vào mùa thu 1872. Góc phải từ đường đặt bức tượng tạc Tam nguyên Yên Đỗ chống gậy trúc, dáng khoan thai, do nhà điêu khắc Dương Đình Khoa thực hiện.
Từ đường cũng lưu giữ những kỷ vật quý giá của gia đình, đặc biệt nhất là đôi rồng đá nạm ngọc và chiếc lư hương được đặt trên ban thờ.
Vui ngày tháng làm thảo dân
Cổng vào từ đường Nguyễn Khuyến cổ kính, trên có ba chữ "Môn tử môn", nghĩa là cửa ra vào của học trò.
Cổng khá thấp và hẹp, ngụ ý luyện đức, luyện tài phải giữ đạo làm trò, khi qua cổng nhà thầy, cho dù quan lớn hay thứ dân đều phải đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ, cúi người bước vào.
Cảnh vật và nhà 7 gian phía trước Từ đường
Tôi chắc ai đến nhà cụ Nguyễn Khuyến cũng sẽ tìm cái "ao thu", "ngõ trúc" từng được nhà thơ đề cập trong bài "Thu điếu". Ông Tùng bảo xưa ao rộng từ trước ngõ chạy đến tận mép con mương ngoài cánh đồng. Nguyễn Khuyến đã viết trong bài "Cô ngư": "Trước ngõ hơn chừng một mẫu ao/ Cá không phải thả vẫn dồi dào".
Theo tính toán phong thủy của cụ Nguyễn Khuyến thì cụ mệnh hỏa nên trấn trạch hai thủy để cân bằng âm dương, nên có ao lớn phía ngoài, bờ cỏ thẳng ngăn ở giữa rồi thì cho đào cái lạch nước phía trong nữa. Thập niên 1960, hợp tác xã trưng dụng mẫu ao này, dấu tích ao xưa chỉ còn lại bồn sen trước nhà. Ao ở vị trí như hiện nay chỉ còn 6 sào. Lạch nước cũng được khôi phục. Nếu nhìn từ trên cao thì cái ao và lạch giống hình bút lông và nghiên mực của các nhà nho.
Năm 1997, nhân dân Yên Đỗ dựng bên bờ ao tấm bia khắc bài thơ "Thu điếu" bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ và tiếng Anh, để tỏ lòng tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Khuyến. Tre trúc được trồng lại thành "ngõ trúc" quanh ao, thêm hàng cây, hoa trên lối đi giữa ao và lạch, tất cả tạo thành góc thiên nhiên tươi mát.
Chúng tôi đi một vòng quanh ao, hình dung dáng cụ Nguyễn Khuyến ngày nào chống gậy dạo ngõ trúc, ngồi buông cần bên ao thu, mà trong lòng luôn đau đáu chuyện thế sự.
Không hổ là con cháu cụ Tam nguyên, ông Tùng không chỉ thuộc hết các bài thơ, mà còn nghiên cứu kỹ từng ý thơ để giải thích với khách tham quan về ngữ cảnh, ngụ ý trong thơ Nguyễn Khuyến.
Câu thơ "Năm gian nhà cỏ thấp le te" được ông Tùng giải thích: không phải nhà lợp cỏ tranh như nhiều người nghĩ, mà cỏ là thảo, ngụ ý thảo dân. Nguyễn Khuyến muốn nói cụ về ẩn dật với đời sống thảo dân và vui với những ngày tháng làm thảo dân đó (trong bài thơ "Hạ nhật ngẫu thành"): "Chống gậy tha hồ đi ra đi vào/ Tựa ghế ngồi, muốn thấp muốn cao tùy ý/ Cao hứng lên rót rượu uống tràn/ Mỗi lần uống hàng mấy chục chén/ Phương chi gạo mới ngon cơm/ Lại thêm rau vườn thơm tho". Các tục lệ ở làng cũng đều được cụ ghi lại trong thơ.
Tại thế 74 năm, chỉ có 12 năm đi làm quan, còn lại hơn 60 năm gắn bó với Vườn Bùi, ở ẩn, sống gần dân, cụ hiểu được sự vất vả của người dân, ghi lại trong bài "Chốn quê": "Sớm trưa dưa muối cho qua bữa/ Chợ búa trầu cau chẳng dám mua/ Tằn tiện thế mà sao chả khá/ Nhờ trời rồi được mấy gian kho".
Cổng vào Từ đường Nguyễn Khuyến
Làng Vị Hạ có chợ họp ở trong làng, gọi là chợ Và. Hằng năm, đến phiên chợ cuối tháng chạp (chợ sắm Tết), người dân lại dời chợ ra họp ở một cánh ruộng phía sau làng, nên gọi là chợ Đồng.
Những năm được mùa, chợ Đồng đông vui; những năm mất mùa, chợ thưa thớt người. Bài thơ "Chợ Đồng" dường như cụ viết vào năm mất mùa, nên có vẻ chợ họp thưa người vì nhiều người còn túng bấn, nợ nần. Vì thế, đáng lý chợ sắm Tết phải vui, nhưng lời thơ của cụ nghe man mác buồn: "Hàng quán người về nghe xáo xác/ Nợ nần năm hết hỏi lung tung".
Đứng bên bờ ao, khóm trúc, ông Tùng bảo đây là ngữ cảnh trong chùm thơ về mùa thu của cụ Nguyễn Khuyến: "Thu điếu", "Thu vịnh", "Thu ẩm". Trong đó, hầu như rất nhiều người biết và thuộc bài "Thu điếu", nhưng không phải ai cũng hiểu đúng tâm tư của tác giả gửi gắm trong bài thơ.
Đau đáu vận mệnh dân tộc
Ông Tùng chia sẻ thêm: "Thu điếu" không chỉ là câu cá mùa thu, mà là lời cụ Tam nguyên khóc cho đất nước.
Cụ đã cố gắng theo đuổi con đường khoa cử với hoài bão đem tri thức phục vụ đất nước, xã hội. Thế nhưng, ở quan trường chỉ 12 năm, cảm thấy bất lực với xã hội nửa thực dân nửa phong kiến, nước nhà mất quyền tự chủ, Nguyễn Khuyến về quê. Nhà thơ không ngồi thuyền câu cá, mà lấy cảnh để nói lên sự bế tắc của đất nước như "ao thu lạnh lẽo", thiếu vắng người quân tử (hình ảnh cây trúc), nhưng người đi câu vẫn kiên nhẫn "tựa gối buông cần" chờ đợi ở đâu đó "dưới chân bèo" có sức mạnh vùng lên vì đất nước.
Trong nỗi xót xa chẳng dễ chia sẻ cùng ai, cụ còn tự vấn mình khi làm bài thơ "Mùa xuân bị bệnh": "Nhiễu nhương gió bụi bác nho gàn/ Nhàn rỗi khác gì bị trói chân/ Danh hão chỉ hơn anh bị gậy/ Tài xoàng, e kém chú che tàng…".
Đến khi cảm thấy không còn nhiều thời gian sống, chuẩn bị cho sự ra đi vĩnh viễn, trong bài thơ "Mua quan tài", cụ vẫn tự trách mình: "Ơn nước chưa đền danh cũng hổ/ Quan tài sẵn có chết thì chôn".
Trong "Di chúc văn" dặn gia đình làm tang ma, cụ bảo phải đơn giản, không bày biện vì "Chỉ làm thêm nặng tội lỗi cho ta/ Ồn ào thêm nhiều miệng tiếng". Cả đến chức phẩm, bằng sắc được ban cũng bảo mang trả lại, chỉ cần "Đề bia đá ở mộ rằng: Ông già triều Nguyễn về hưu đã lâu".
Qua cách diễn giải của ông Nguyễn Thanh Tùng, chúng tôi hiểu nhiều hơn về cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến: vừa là một đại khoa muốn cống hiến cho đất nước mà không tròn ước nguyện vừa là một thảo dân chan chứa tình làng, nghĩa xóm.
Bài và ảnh: Các Ngọc