Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT ngày 7/3/2025 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2025.
Thông tư 05 có rất nhiều nội dung mới liên quan đến chế độ làm việc của giáo viên, quy định thời gian làm việc vượt định mức để tính tăng giờ cũng được nhiều giáo viên quan tâm.
Ảnh minh họa
Quy định về các trường hợp giáo viên được tính tăng giờ
Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ trả thêm giờ đối với giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT ban hành chế độ làm việc của giáo viên phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiền lương dạy thêm giờ được tính theo các công thức sau:
Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy x 150%.
Trong đó: Tiền lương 01 giờ dạy = [(Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học) : (Định mức giờ dạy/năm)] x [Số tuần dành cho giảng dạy: 52 tuần].
Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).
Định mức hàng năm của giáo viên trường tiểu học là 805 tiết, giáo viên trường trung học cơ sở là 665 tiết, giáo viên trường trung học phổ thông là 595 tiết.
Nếu, giáo viên dạy và kiêm nhiệm vượt quá số tiết định mức tiết dạy trong 01 năm học thì được tính tăng tiết.
Ví dụ, giáo viên dạy ở tiểu học, tổng số tiết dạy và kiêm nhiệm cả năm là 900 tiết, sẽ được tính để hưởng tăng giờ 95 tiết. Cách tính tăng giờ 95 tiết x số tiền mỗi tiết.
Giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần, kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm giảm 4 tiết/tuần, thì tổng số tiết giáo viên trên thực hiện (19 + 4) x 35 tuần là 805 tiết.
Định mức của tiết dạy/năm của giáo viên trung học cơ sở là 665 tiết, giáo viên này sẽ được hưởng tăng giờ 140 tiết.
Trường hợp nào dạy và kiêm nhiệm vượt định mức năm học nhưng không được tính tăng giờ
Tại khoản 2 Điều 3. Nguyên tắc làm việc quy định:
“2. Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường. Trường hợp phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng ưu tiên phân công kiêm nhiệm đối với giáo viên dạy chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần và bảo đảm giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Căn cứ kế hoạch giáo dục, thực trạng đội ngũ và định mức tiết dạy trong 01 năm học, hiệu trưởng phân công giáo viên giảng dạy theo định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần. Trường hợp phải phân công giáo viên dạy vượt định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần (bao gồm cả tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì tổng số tiết dạy vượt trong 01 tuần không quá 50% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần, tổng số tiết dạy vượt trong 01 năm học không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động.”
Như vậy, mỗi giáo viên phổ thông được hiệu trưởng phân công thực hiện và kiêm nhiệm không được vượt quá 50% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần.
Hàng tuần, giáo viên tiểu học không dạy vượt quá 34,5 tiết, giáo viên trung học cơ sở không vượt quá 28,5 tiết, giáo viên trung học phổ thông không dạy vượt quá 25,5 tiết, nếu vượt quá số tiết trên sẽ được xem là không đúng quy định và không được tính tăng giờ do vượt quá số tiết trên.
Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông, trong 1 tuần thực hiện nhiệm vụ và kiêm nhiệm 27 tiết/tuần (vượt 10 tiết) nhưng chỉ được tính tăng giờ 8,5 tiết trong tuần đó, nếu tổng số tiết dạy cả năm vượt quá định mức năm học.
Trường hợp thứ 2 nếu dạy vượt định mức không được tính tăng giờ được quy định tại khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này.
Đối với các nhiệm vụ theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ nhiệm vụ kiêm nhiệm tại khoản 3, khoản 5 Điều 9; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư này) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được giảm định mức tiết dạy hoặc quy đổi ra tiết dạy.”
Theo quy định mới này, giáo viên chỉ được kiêm nhiệm và giảm định mức tối đa 2 nhiệm vụ kiêm nhiệm tại Điều 9,10,11 gồm các nhiệm vụ kiêm nhiệm như sau:
Giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn: giáo viên chủ nhiệm; tổ trưởng, tổ phó chuyên môn/bộ môn; tổ trưởng, tổ phó quản lý học sinh; kiêm nhiệm thiết bị, thí nghiệm, phụ trách phòng bộ môn; phụ trách phòng thiết bị;
Giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường: kiêm bí thư đảng bộ/chi bộ; kiêm nhiệm công tác công đoàn; kiêm bí thư đoàn, phó bí thư đoàn, cố vấn thanh niên,..; kiêm chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường; kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân;
Giáo viên kiêm nhiệm một số vị trí việc làm khác: kiêm công tác giáo vụ; kiêm công tác tư vấn học sinh; kiêm công nghệ thông tin.
Mỗi giáo viên giảng dạy và chỉ được kiêm nhiệm tối đa 2 nhiệm vụ, nếu kiêm hơn 2 nhiệm vụ thì ngoài việc Ban giám hiệu phân công không đúng quy định, giáo viên cũng sẽ thiệt thòi do không được giảm định mức tiết dạy khi kiêm nhiệm nhiệm vụ từ thứ 3 trở lên.
Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông kiêm tổ trưởng (giảm 3 tiết/tuần), kiêm giáo viên chủ nhiệm (giảm 4 tiết/tuần) và kiêm nhiệm phó chủ tịch công đoàn (giảm 3 tiết/tuần), giáo viên này chỉ được giảm định mức 2 trong 3 nhiệm vụ kiêm nhiệm, được giảm 7 tiết/tuần thay vì 10 tiết do kiêm nhiệm 3 nhiệm vụ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bùi Nam