Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) - Bộ Công Thương nhận được thông tin từ Phái đoàn Việt Nam tại Geneva về việc Ủy ban Quản lý Thương mại quốc tế Nam Phi (ITAC) đã ban hành thông báo áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm thép cuộn chống ăn mòn (còn được gọi là Corrosion resistant steel coil) nhập khẩu vào Khối Liên minh hải quan Nam Phi (SACU).
Thép cuộn Việt Nam được loại trừ mức thuế hơn 52% của Nam Phi.
Sản phẩm bị điều tra: Thép cuộn chống ăn mòn (Corrosion resistant steel coil) được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Cộng hòa Nam Phi 7210.61.20, 7210.61.30, 7225.92.25 và 7225.92.35. Ngày khởi xướng điều tra: 17/1/2025 (vụ việc đã được khởi xướng ngày 27/12/2024 trước đó, nhưng sau đó đã được chấm dứt và khởi xướng lại cùng ngày). Giai đoạn điều tra: Từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2024.
Trong thông báo kết luận sơ bộ, ITAC cho biết lượng nhập khẩu mặt hàng này đã tăng mạnh 17,16% từ năm 2022 đến 2023, chủ yếu từ Trung Quốc. Đây là nguyên nhân gây thiệt hại cho ngành sản xuất thép của SACU, thể hiện qua việc sụt giảm sản lượng, doanh số, lợi nhuận, thị phần, công suất và lao động. Một số yếu tố khác như nhu cầu giảm, chi phí đầu vào tăng, đầu tư hạ tầng chậm và hạn chế logistics cũng được đề cập nhưng không được xem là nguyên nhân trực tiếp.
Việt Nam được loại trừ khỏi biện pháp do là quốc gia đang phát triển có thị phần nhập khẩu dưới 3% và tổng nhập khẩu từ các quốc gia tương tự không lớn hơn 9%.
Trên cơ sở đó, ITAC đề xuất áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời lên tới 52,34% trong thời gian 200 ngày để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, trong khi chờ kết luận cuối cùng của vụ việc.
Trước đó, Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam đã gửi thư tới ITAC nêu quan điểm của Việt Nam và đề nghị loại trừ khỏi biện pháp tự vệ. Phía ITAC đã phản hồi ngày 11/4/2025, khẳng định sẽ xem xét nghiêm túc lập luận của Việt Nam trong quá trình xây dựng kết luận sơ bộ.
Việc Việt Nam được loại trừ trong quyết định lần này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì xuất khẩu thép cuộn chống ăn mòn.
PV