Thép 'hết thời', năng lượng xanh mở ra siêu chu kỳ hàng hóa mới

Thép 'hết thời', năng lượng xanh mở ra siêu chu kỳ hàng hóa mới
3 giờ trướcBài gốc
Khủng hoảng bất động sản và sự chuyển dịch sang nền kinh tế tiêu dùng khiến ngành thép Trung Quốc lao đao. Tuy nhiên, tia hy vọng le lói xuất hiện từ nhu cầu kim loại mới cho năng lượng sạch và xe điện, hứa hẹn một siêu chu kỳ khác, nhưng sẽ diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị khốc liệt hơn.
Siêu chu kỳ hàng hóa của Trung Quốc khép lại
Dây chuyền sản xuất thép ở một nhà máy tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Giữa cơn bão khủng hoảng bất động sản kéo dài ba năm, nhiều doanh nghiệp thép đã phá sản. Giá thép thanh vằn, một sản phẩm thép dùng trong xây dựng để gia cố bê tông, đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù chính phủ đã chuyển hướng sang kích thích kinh tế từ mùa Thu năm đó, nhưng ngành xây dựng bất động sản vẫn chưa thực sự hồi sinh. Nhu cầu vẫn còn rất yếu.
Vũ Hán, "cái nôi" của ngành công nghiệp thép Trung Quốc, đã từng chứng kiến sự phát triển thần tốc của đất nước trong những thập kỷ gần đây, đưa Trung Quốc trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Quy mô nhu cầu thép của Trung Quốc là vô cùng lớn. Theo dữ liệu của chính phủ, trong hai thập kỷ từ năm 2000 đến 2020, lượng thép tiêu thụ của Trung Quốc gấp đôi lượng thép mà Mỹ đã sử dụng trong suốt thế kỷ 20. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa khổng lồ này, với tốc độ chưa từng thấy trên thế giới, đã thúc đẩy một siêu chu kỳ hàng hóa, đẩy giá nguyên liệu thô như quặng sắt và than luyện cốc lên cao, đồng thời định hình lại ngành công nghiệp khai thác và năng lượng toàn cầu.
Nhưng siêu chu kỳ đó, bắt đầu suy yếu trong đại dịch COVID-19, cuối cùng đã kết thúc. Năm 2023, sản lượng thép của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Theo Macquarie, tiêu thụ quặng sắt, một nguyên liệu chính để sản xuất thép và sắt, của Trung Quốc đã giảm trong năm 2024 sau khi đạt đỉnh vào năm 2023. Thậm chí có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc cũng đang bắt đầu đạt đỉnh, sớm hơn nhiều so với hầu hết các dự báo.
Ông Steele Li, Phó Chủ tịch công ty khai thác CMOC, cho biết sự bùng nổ bất động sản từng thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đã kết thúc. Ông không tin rằng động lực tăng trưởng này sẽ quay trở lại và cho rằng nền kinh tế Trung Quốc cần tìm một động lực mới có quy mô tương tự.
Mặc dù nhu cầu của Trung Quốc đã ì ạch trong vài năm, đặc biệt là kể từ khi đại dịch bùng phát, một số người vẫn hy vọng rằng các biện pháp kích thích của chính phủ sẽ dẫn đến một đợt tăng trưởng mới. Nhưng ngành công nghiệp tài nguyên hiện đã từ bỏ hy vọng về một đợt bùng nổ xây dựng khác, giống như những đợt bùng nổ đi kèm với các gói kích thích trước đó.
Các chuyên gia tranh luận về thời điểm chính xác nhu cầu của Trung Quốc đạt đỉnh. Nhưng như ông Tom Price, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Panmure Liberum, đã nói: "Siêu chu kỳ hàng hóa Trung Quốc chắc chắn đã kết thúc".
Đối với các quốc gia và công ty đã lướt sóng trên siêu chu kỳ hàng hóa của Trung Quốc trong 20 năm qua, đây là một sự thay đổi sâu sắc và đôi khi gây đau đớn. Ông James Campbell, nhà phân tích thép tại CRU, một công ty dữ liệu hàng hóa, cho rằng đây dường như là dấu chấm hết của một kỷ nguyên. Ngay cả với các biện pháp kích thích gần đây, ông cho biết, "không thực sự có cách nào để tăng cường nhu cầu thép hơn nữa".
Chuyển đổi năng lượng tạo ra siêu chu kỳ tiếp theo
Một số lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành công nghiệp khai khoáng tin rằng sự kết thúc của siêu chu kỳ hàng hóa Trung Quốc sẽ mở ra một chu kỳ mới, được thúc đẩy bởi đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn cầu. Nhu cầu đồng, lithium, cobalt và nickel - những kim loại thiết yếu cho lưới điện, trung tâm dữ liệu, năng lượng tái tạo và pin xe điện - dự kiến sẽ tăng vọt. Ông Peter Toth, Giám đốc chiến lược tại Newmont, nhận định chúng ta đang ở giữa hai siêu chu kỳ. Ông cho rằng chúng ta vừa bước ra khỏi một siêu chu kỳ và đang đứng trước ngưỡng cửa của siêu chu kỳ tiếp theo, sẽ được thúc đẩy bởi điện khí hóa, chuyển đổi năng lượng và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tuy nhiên, siêu chu kỳ mới này sẽ khác biệt đáng kể so với siêu chu kỳ trước. Trước đó, Trung Quốc từng hưởng lợi từ toàn cầu hóa để tiếp cận nguồn nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới, quặng sắt từ Brazil, đồng từ Congo và dầu mỏ từ Saudi Arabia. Giờ đây, chu kỳ mới sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các quốc gia về nguồn tài nguyên khan hiếm. Các nước phương Tây đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng riêng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các kim loại quan trọng như cobalt, lithium và đồng. Dưới thời Tổng thống Biden, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu can thiệp vào các thỏa thuận khai thác tại châu Phi để đảm bảo nguồn cung cho các công ty đồng minh. Căng thẳng địa chính trị này được dự báo sẽ còn gia tăng, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Trump.
Sự thay đổi này đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với các công ty khai thác từng hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường Trung Quốc. Những “gã khổng lồ” như BHP và Rio Tinto, từng ghi nhận lợi nhuận khổng lồ từ quặng sắt trong giai đoạn 2000-2020, giờ đây phải tìm hướng đi mới. Các yếu tố cấu trúc và nhân khẩu học từng thúc đẩy nhu cầu thép của Trung Quốc, như đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng, đang dần mất đà. Theo ông Marcus Garvey, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Macquarie Group, Trung Quốc đã đạt đỉnh tiêu thụ thép và sản lượng thép sẽ dao động quanh mức 1 tỷ tấn/năm, với xuất khẩu đóng vai trò bù đắp cho nhu cầu nội địa suy yếu.
Bên trong một nhà máy sản xuất thép ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, trước đây tập trung vào công nghiệp nặng và xây dựng, giờ đây chuyển hướng sang giảm nợ, giải cứu thị trường bất động sản và nới lỏng chính sách tiền tệ. Mặc dù vẫn có những nỗ lực kích thích cơ sở hạ tầng và tiêu dùng, nhưng tác động lên ngành thép sẽ không còn mạnh mẽ như trước. Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng và dịch vụ, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào xây dựng nặng về thép.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà máy thép Trung Quốc đã chuyển sang xuất khẩu để cố gắng bù đắp cho nhu cầu yếu hơn trong nước. Năm 2024, xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt 111 triệu tấn, mức cao nhất trong chín năm. Nhưng căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, bao gồm cả với Mỹ, đồng nghĩa với việc không còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu hơn nữa.
Cũng có những công ty đã chuyển sang sản xuất nhiều sản phẩm thép tấm, được sử dụng trong ngành ô tô và chế tạo, và giảm sản xuất thép dài được sử dụng trong xây dựng. Hoạt động chế tạo, bao gồm cả ô tô, đã chiếm gần một nửa nhu cầu thép của Trung Quốc. Bà Vivian Yang, chuyên gia của công ty dữ liệu hàng hóa MySteel, cho biết năm nay, lĩnh vực chế tạo sẽ vẫn là động lực chính để thúc đẩy nhu cầu thép tổng thể của Trung Quốc. Nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn sẽ là một trở ngại lớn. Bà dự báo tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ giảm 2-3% trong năm nay, sau khi giảm 3% vào năm ngoái.
Nhiều nhà máy thép thậm chí phải đóng cửa, và khoảng 50% các nhà máy thép của Trung Quốc phải chịu cảnh thua lỗ. Một ví dụ điển hình là trường hợp của Hongtai Steel, một nhà máy thép tư nhân lớn gần Vũ Hán, đã ngừng sản xuất và chưa có kế hoạch hoạt động trở lại.
Trong khi ngành thép gặp khó khăn, thị trường đồng lại cho thấy những tín hiệu tích cực, nhờ vai trò quan trọng của kim loại này trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tại Hoàng Thạch, một thành phố gần Vũ Hán với lịch sử sản xuất đồng lâu đời, các nhà máy đang hoạt động hết công suất.
Các công ty khai thác toàn cầu cũng đang chuyển hướng đầu tư sang đồng và lithium. Năm ngoái, BHP đã đề nghị mua lại Anglo American với giá 39 tỷ bảng Anh để sở hữu các tài sản đồng, còn Rio Tinto chi gần 7 tỷ USD để mua lại công ty lithium Arcadium. Nhu cầu đồng dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2040, trong khi nhu cầu lithium sẽ tăng gấp 7 lần, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Chuyên gia Tom Price của Panmure Liberum cho rằng chính sự sụt giảm nhu cầu quặng sắt và bất động sản tại Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty khai thác tìm kiếm cơ hội mới trong lĩnh vực kim loại cho năng lượng sạch.
Mặc dù Trung Quốc không còn là tâm điểm của siêu chu kỳ mới, nhưng vẫn là quốc gia tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất và sẽ duy trì vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Trung Quốc cũng chiếm ưu thế trong lĩnh vực sản xuất vật liệu pin, kiểm soát 2/3 sản lượng lithium và cobalt toàn cầu.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang lan rộng sang các kim loại đặc thù, làm gia tăng lo ngại về an ninh chuỗi cung ứng. Một số chuyên gia cảnh báo rằng cạnh tranh về tài nguyên có thể leo thang thành xung đột. Ông Thijs Van de Graaf, chuyên gia năng lượng tại Viện Địa chính trị Brussels, cũng cho rằng căng thẳng địa chính trị sẽ là một yếu tố quan trọng định hình siêu chu kỳ hàng hóa mới.
Dù lạc quan về triển vọng của siêu chu kỳ tiếp theo, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hoài niệm về thời kỳ hoàng kim của siêu chu kỳ Trung Quốc, như lời ông Toth: "Đó là điều tôi chưa từng thấy và sẽ không bao giờ thấy lại trong sự nghiệp của mình".
Khánh Ly (Theo FT)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/thep-het-thoi-nang-luong-xanh-mo-ra-sieu-chu-ky-hang-hoa-moi/361004.html