Thép râu tường là gì?
Thép râu tường hay còn được gọi thép râu neo tường là một loại vật liệu xây dựng mới, có chức năng liên kết tường gạch và cột bê tông, hỗ trợ chống nứt cho công trình. Thép râu tường thường đi kèm với các phụ kiện như đinh chuyên dụng hoặc tắc kế M6.
Nhờ tính linh hoạt trong sử dụng, thép râu tường được áp dụng phổ biến trong xây nhà phố và các tòa nhà cao tầng. Quá trình cấy thép râu tường thực hiện sau khi đổ bê tông. Khoảng cách giữa các thanh thép râu tường khoảng 50 cm theo chiều dọc.
Số lượng thép râu tường phụ thuộc vào độ dày của tường và khả năng chịu tải của công trình. Thông thường, một tường dày 10cm cần một thanh thép râu, trong khi tường dày 20cm có thể cần đến 2 thanh.
Lợi ích của thép râu tường
Thép râu tường giúp giảm sự rạn nứt tại các điểm tiếp xúc giữa tường và cột. (Ảnh: H.Build)
Thép râu tường có ưu điểm dễ sử dụng do được dập sẵn từng thanh. Nhờ đó, công nhân thi công nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, cấu trúc gợn sóng trên bề mặt thanh thép tạo ra các đường nổi, giúp tăng cường khả năng liên kết và bám dính với vật liệu xây dựng khác.
Thép râu tường còn giúp duy trì sự ổn định cho các khối xây, từ đó đảm bảo cấu trúc xây dựng không bị biến dạng hoặc mất sự đồng đều. Việc sử dụng thép râu tường còn giúp giảm sự rạn nứt tại các điểm tiếp xúc giữa tường và cột bê tông, đảm đảo độ bền cho công trình.
Khi nào nên dùng thép râu tường
Là phần kết cấu chịu lực chính của ngôi nhà, cột bê tông thường được xây trước. Vì thế, cột bê tông có xu hướng bị co ngót sau khi thi công. Trong khi đó, tường gạch thường xây sau cấu kiện cột và dầm sàn.
Hai giai đoạn thi công không đồng nhất kết hợp vật liệu sử dụng không đồng đều có thể gây ra hiện tượng nứt tại điểm liên kết giữa tường và cột.
Để khắc phục tình trạng này, nhà thầu thường sử dụng thép râu tường củng cố và tạo liên kết chắc chắn giữa tường và cột. Thép râu tường giúp chống lại sự co ngót, nứt tường và cải thiện độ bền cho công trình.
Bằng Lăng (tổng hợp)