Khi chưa có quyết định chính thức, cổ phiếu ngành thép Việt Nam đã liêu xiêu trong phiên giao dịch đầu tuần. HPG của Hòa Phát hay HSG của Hoa Sen, hay NKG của Thép Nam Kim đều giảm sâu với khối lượng giao dịch cao đột biến.
Khi quyết định chính thức đã được ông Donald Trump đưa ra, thị trường sẽ đón nhận như thế nào trong phiên giao dịch ngày hôm nay (11/2)?
Theo dữ liệu từ Fiinpro, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ sắt thép các loại, cộng với con số tương đương các sản phẩm từ thép, là hơn 2,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 32% so với năm 2023. Đây là con số lớn, đặc biệt so với quy mô các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, vượt xa các quốc gia tiếp theo là Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Campuchia… Bị đánh thuế cao, sức ép cuối cùng sẽ lên chính người dùng Mỹ, nhưng sức cạnh tranh của thép Việt sẽ giảm đi, và đó là cơ hội cho thép Mỹ lên ngôi tại chính thị trường Mỹ.
Tất nhiên, ảnh hưởng tới mỗi doanh nghiệp là hoàn toàn khác nhau vì tỷ trọng xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp khác nhau.
Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán ngân hàng ACB cho biết tỷ trọng doanh thu xuất khẩu sang Mỹ của Hòa Phát chỉ ở vào khoảng 1,5-3% nên chính sách thuế này không ảnh hưởng quá mạnh trực tiếp tới Hòa Phát.
Hoa Sen và Nam Kim là hai khách hàng lớn tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Hòa Phát, lại có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao. Hoa Sen và Nam Kim chịu ảnh hưởng trực tiếp nên sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn. Gặp khó khăn đầu ra có thể khiến họ tiết giảm mua sắm đầu vào, ảnh hưởng đến Hòa Phát.
Các quốc gia xuất khẩu thép hàng đầu sang Mỹ đã có những động thái phản đối sắc thuế này. Hiệp hội các nhà sản xuất thép Canada đã đưa thông cáo báo chí chính thức, đề nghị chính phủ nước này tiến hành các biện pháp trả đũa. Hiệp hội cũng cho biết tới 40% lượng thép nhập khẩu của Canada là đến từ Mỹ.
Sản xuất thép có nhiều công đoạn. Việc hai quốc gia láng giềng đảm nhiệm các công đoạn khác nhau để tối ưu chi phí là một hiện tượng bình thường.
Nói đến các chính sách của ông Trump, tờ The Economist vừa có bài bình luận hết sức thú vị. The Economist cho rằngmối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế thế giới bây giờ không phải là các chính sách thuế quan của ông Trump khi ông lên ngồi ghế Tổng thống Mỹ. Sự bất ổn còn đáng sợ hơn cả thuế quan.
The Economist đưa ra một ví dụ rất đơn giản: Khi một công ty dự định xây dựng nhà máy ở Trung Quốc hoặc Mexico để phục vụ thị trường Mỹ, nếu ông Trump đe dọa đánh thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc, họ sẽ dễ dàng quyết định chuyển sang Mexico. Tuy nhiên, Mexico lại bị đánh thuế 25% trong khi Trung Quốc 10%. Dù Mỹ đã hoãn đánh thuế lên Mexico thì đó vẫn là một "án treo". Hay chính sách đánh thuế vào các gói hàng giá trị dưới 800 đô la Mỹ thay vì miễn thuế như trước đây. Về mặt kỹ thuật, việc này đòi hỏi các nhà xuất khẩu sang Mỹ phải đầu tư vào kho bãi và hệ thống phân phối mới. Nhưng đầu tư xong, chính sách có còn giữ nguyên? Và nếu giữ nguyên, hết nhiệm kỳ của ông Trump, liệu nó có thay đổi nữa không?
Sự bất ổn khiến các bên trở nên do dự. Trong quyết định sản xuất đầu tư, do dự dẫn đến mất mát, gián đoạn và tổn thương. Nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn dễ tổn thương hơn bao giờ hết trước những bất định mà không ai dự đoán được điều gì.
Minh Thúy