Dù vậy, cạnh tranh thép của Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu khác như ASEAN, EU... được dự báo sẽ gay gắt hơn.
Mỹ sắp áp thuế 25% với thép nhập khẩu của các quốc gia, thép Việt Nam vào Mỹ sẽ cạnh tranh hơn ở thị trường này. Ảnh minh họa: website Hòa Phát
Thép Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn ở Mỹ
Ngay khi Tổng thống Donald Trump vừa công bố áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, nhiều ý kiến và báo chí quốc tế nhận định rằng thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường xứ cờ hoa sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí các cổ phiếu thép trong nước trên thị trường chứng khoán cũng lập tức bị giảm điểm mạnh.
Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online các doanh nghiệp xuất khẩu thép và những chuyên gia am hiểu về thị trường xuất - nhập khẩu cho rằng, nếu Tổng thống Mỹ áp mức thuế 25% với tất cả các nước xuất khẩu thép lớn thì sẽ công bằng cho Việt Nam. Bởi lẽ thép Việt Nam đã bị áp mức thuế này từ năm 2018 đến nay, tức khoảng 7 năm nay.
Cụ thể, ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký các tuyên bố để tăng thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25% và loại bỏ tất cả các miễn trừ cho tất cả các quốc gia.
Đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018 theo Mục 232, vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này.
Các chuyên gia cho rằng đây là một phần mở rộng của thuế Mục 232 được ban hành vào năm 2018 bởi ông Donald Trump, ban đầu đặt mức cố định 25% cho nhập khẩu thép nhưng đã miễn trừ cho một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Anh Quốc.
Thuế mới duy trì thuế Mục 232 và loại bỏ tất cả các miễn trừ. Điều này có nghĩa thép Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng thuế mới này; trong khi đó thép nhập khẩu vào thị trường này từ Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Anh Quốc sẽ bị áp tăng lên 25% khi luật mới có hiệu lực vào ngày 4-3 tới.
Trao đổi với KTSG Online qua điện thoại, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng, việc áp thuế 25% đối với nhập khẩu thép vào Mỹ không phải là mới với Việt Nam. Vì vậy, với việc áp mức thuế này với những quốc gia được miễn trừ trước đây là sẽ công bằng với thép nhập khẩu từ Việt Nam.
"Lâu nay, doanh nghiệp thép các nước xuất khẩu vào Mỹ khá thuận lợi vì được miễn trừ theo Mục 232 thì sắp tới khi bị áp mức thuế 25% thì thép Việt ở thị trường Mỹ sẽ cạnh tranh tốt hơn", ông Đa nói và cho biết dù những năm qua thép Việt Nam bị áp mức thuế 25% nhưng thép Việt vẫn có thể cạnh tranh khi tăng lượng xuất khẩu vào Mỹ. Riêng năm ngoái, tổng lượng thép xuất khẩu trực tiếp qua thị trường Mỹ của doanh nghiệp Việt Nam tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó.
Các doanh nghiệp thép cho rằng, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu ở thị trường Mỹ. Bởi năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất thép khác thì cho biết, từ khi Mỹ áp thuế nhập khẩu thép từ Việt Nam đến 25%, để cạnh tranh họ đã xuất sang các thị trường được miễn trừ như Canada, Mexico... Từ các thị trường này, thép Việt Nam sẽ được đưa vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu sắp tới Mỹ áp thuế 25% với thép nhập khẩu ở những quốc gia miễn trừ trước đây thì họ sẽ xuất khẩu trực tiếp đến Mỹ, không đi đường vòng qua nước thứ 3 như thời gian qua.
"Tóm lại, chúng tôi không thấy gặp khó khăn gì khi Mỹ áp thuế nhập khẩu thép lên 25% cho tất cả các nước, thậm chí việc áp thuế này của Tổng thống Mỹ còn giúp thép Việt Nam cạnh tranh tốt hơn ở thị trường này", lãnh đạo một doanh nghiệp thép Việt Nam nói với KTSG Online.
SSI Research cũng nhận định hành động thuế mới của Mỹ có thể thậm chí có phần tích cực đối với ngành thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam (trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác) ngang hàng với các quốc gia khác. "Xuất khẩu thép của Việt Nam sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada cũng tương đối nhỏ (tính đến tháng 12-2024), 2 quốc gia này không nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, SSI Research dẫn dữ liệu của VSA.
Nhưng vẫn ngại tác động gián tiếp
Dù khá lạc quan với bối cảnh chung nhưng các chuyên gia cho rằng, việc áp thuế này của Mỹ sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến thép Việt Nam. Bởi lẽ, các nhà sản xuất thép như Canada, Mexico... khi bị áp thuế cao, kém cạnh tranh ở thị trường Mỹ thì sẽ tìm cách chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ khiến sản phẩm thép Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn trên các thị trường xuất khẩu khác và ngay ở trong nước.
Website VSA trích từ Bản tin Hiệp hội Thép tháng 1-2025.
Vị Chủ tịch VSA cũng cho rằng khi doanh nghiệp thép của các nước được Mỹ miễn trừ áp 25% thuế trước đây như Canada, Mexico... gặp khó ở thị trường Mỹ thì họ sẽ tìm cách khai thác ở những thị trường khác.
"Tôi cho rằng cạnh tranh trên các thị trường khác như khu vực ASEAN, EU... sẽ trở nên gay gắt hơn do sự dịch chuyển của dòng thép từ các quốc gia khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam", ông Đa nhận định.
Tổng hợp số liệu từ VSA cho thấy thị trường khu vực ASEAN và EU đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, với mức tương ứng là 26% và 23% của năm 2024. Trong khi đó, xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ trong năm qua của Việt Nam dù tăng mạnh nhưng chỉ đứng vị trí thứ 3, chiếm 13%.
Mặt khác, dù không lo ngại việc áp thuế mới của Mỹ với sản phẩm thép, nhưng theo ông Chủ tịch VSA, việc Mỹ và các nước gia tăng phòng vệ thương mại với các sản phẩm thép và nhôm như áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp nhập khẩu từ Việt Nam sẽ là trở ngại và gây khó khăn lớn với doanh nghiệp ngành này.
Bởi trước năm 2025, Mỹ đã nhiều lần áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam. Ví dụ, vào năm 2019, Mỹ áp thuế lên đến 456,23% đối với thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan.
Điều này đã khiến kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm đáng kể. Thị phần xuất khẩu ngành thép, nhôm của Việt Nam tại Mỹ đã giảm từ 10% vào năm 2020 xuống còn 8% vào năm 2022 và tiếp tục giảm còn khoảng 5% trong năm 2024. Trong đó các doanh nghiệp như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim chịu tác động lớn nhất do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao…
Báo cáo của SSI Research cũng cho rằng việc cần xem xét là các tác động khác vì có một số loại thuế khác như CVD (thuế đối kháng) và AD (thuế chống bán phá giá), trong đó thuế AD vẫn đang trong quá trình điều tra.
Lê Hoàng