Ngày 1-4, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Đức Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện MDrắk, cho biết UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk về xử lý đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Thời (45 tuổi, ngụ huyện Ea Kar, Đắk Lứk) việc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả lấn gần 1 ha đất của gia đình ông Thời trong quá trình thi công dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
Khu vực Tập đoàn Đèo Cả thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột lấn gần 1 ha đất của dân. Ảnh: VL
Đồng ý giao mặt bằng trước để thực hiện dự án trọng điểm
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thời trình bày gia đình ông bị ảnh hưởng hơn 4,3 ha ở thôn Sông Chò, xã Cư San, huyện MDrắk khi thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Thời gian qua gia đình ông đồng ý bàn giao trước mặt bằng để Tập đoàn Đèo Cả thi công.
Tháng 8-2024, ông Thảo phát hiện đơn vị thi công có dấu hiệu lấn ngoài diện tích đã được thu hồi. Do đó, ông Thảo gửi đơn trình báo đến UBND xã Cư San, đồng thời yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công để chờ cấp có thẩm quyền giải quyết.
Sau đó, đoàn công tác liên ngành gồm Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện MDrắk, Công an xã, lãnh đạo UBND xã Cư San, nhà thầu, chủ đầu tư đã ghi nhận thực tế. Biên bản do đoàn công tác lập, xác định việc thi công dự án đã vượt ranh giới giải phóng mặt bằng; đơn phản ánh của Nguyễn Văn Thời là đúng thực tế, với diện tích gần 1 ha. Đoàn công tác liên ngành yêu cầu nhà thầu tạm thời dừng thi công để chờ cơ quan thẩm quyền xử lý.
Theo ông Thời, vài tháng ông mới đi kiểm tra rẫy của gia đình ông một lần do cách nhà hơn 80 km. Đầu năm 2025, ông Thời phát hiện Tập đoàn Đèo Cả vẫn tiếp tục thi công tại phần đất của gia đình ông khi chưa được chính quyền địa phương đo đạc, lập phương án đền bù bổ sung.
"Tôi đã đề nghị nhà thầu dừng thi công, để chờ cấp thẩm quyền giải quyết. Nếu sau này không có đơn vị nào lập phương án đền bù mới thì ai chịu trách nhiệm giải quyết quyền lợi của gia đình tôi?” – ông Thời bức xúc nói.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Cư San, cho biết UBND xã đã cử cán bộ làm việc với các đơn vị thi công, đồng thời báo cáo UBND huyện MDrắk để có hướng xử lý đơn kiến nghị của ông Thời.
Theo ông Kiên, trước mắt UBND xã vận động gia đình ông Nguyễn Văn Thời đồng ý, tạo điều kiện bàn giao mặt bằng trước cho nhà thầu thi công để kịp tiến độ.
“Thời gian tới, UBND xã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện phương án thu hồi, giải phóng mặt bằng bổ sung cho gia đình ông Thời” – ông Kiên nói.
Sẽ bổ sung phương án đền bù
Trước đó, hồi giữa tháng 2-2025, ông Nguyễn Văn Thời có buổi làm việc với với các đơn vị liên quan cùng nhà thầu để xác định diện tích đất mà Tập đoàn Đèo Cả thi công vượt ranh giới. Các cơ quan chức năng tiếp tục xác định Tập đoàn Đèo Cả thi công ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng gần 1 ha đất của gia đình ông Thời.
Tuy nhiên, đến nay gia đình ông Thời chưa nhận được bất kỳ phản hồi, động thái tiếp theo của các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan.
Theo ông ông Nguyễn Đức Thảo, khi xảy ra vụ việc trên, UBND huyện MDrắk đã phối hợp các bên liên quan tiến hành kiểm tra, đo đạc. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu phối hợp, thống nhất với chủ đất để đảm bảo tiến độ thi công dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Nếu các bên không thống nhất thì giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Thảo thông tin: hiện UBND huyện MDrắk đã có hướng giải quyết sự việc trên. Ngày 10-3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của huyện đến năm 2030, trong đó có gần 13 ha để thực hiện cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
"Từ đó, UBND huyện sẽ điều chỉnh bổ sung, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích mà Tập đoàn Đèo Cả đã thi công trên phần đất của ông Nguyễn Văn Thời” – ông Thảo nói.
VŨ LONG