Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 đi qua địa bàn các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên, Măng Bút (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Đây là tuyến đường độc đạo từ các xã đi trung tâm huyện Kon Plông, nối tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi.
Tập kết đá ngay trên nền đường cũ.
Hiện dự án vừa thi công, vừa khai thác giao thông nên cần có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Tuy nhiên, người dân địa phương và người điều khiển phương tiện trên Tỉnh lộ 676 phản ánh, quá trình thi công dự án, đơn vị thi công chưa triển khai đầy đủ các giải pháp để đảm bảo an toàn.
Ghi nhận tại Tỉnh lộ 676 đoạn qua địa bàn xã Măng Cành (huyện Kon Plông), một số vị trí đã được đơn vị thi công múc thành hào sâu gần 2m, rộng khoảng 3m, dài hơn 100m nhưng không giăng dây cảnh báo, không có người hướng dẫn giao thông. Tại nhiều vị trí khác, đơn vị thi công tập kết vật tư cát, đá ngay trên nền đường cũ vốn đã nhỏ hẹp càng khiến cho việc lưu thông thêm khó khăn, áp lực.
Ngoài ra, quá trình tận thu gỗ để làm dự án, đơn vị khai thác cũng tiến hành kéo và tập kết gỗ ngay trên nền đường cũ, làm cho các phương tiện phải vất vả tránh né khi đi qua đây, nhất là tại các góc cua cánh chỏ.
Đơn vị thi công múc hào sâu khoảng 2m nhưng không giăng dây cảnh báo.
Người dân bức xúc, đơn vị thi công chưa triển khai đầy đủ các giải pháp đảm bảo an toàn sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, tuyến đường này hầu như không có điện đường, thường xuyên có mưa và sương mù vào ban đêm nên việc tham gia giao thông càng thêm nguy hiểm.
Trước những lo lắng của người dân, mới đây, UBND xã Măng Cành đã có văn bản gửi Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum (đơn vị chủ đầu tư dự án) đề nghị Ban này chỉ đạo đơn vị thi công rà soát những vị trí có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, đá rơi…để tiến hành xử lý và cắm biển cảnh báo, căng dây phạm vi thi công để người và phương tiện tham gia giao thông biết, đảm bảo an toàn.
Tập kết gỗ tận thu ngay góc cua khiến việc đi lại khó khăn.
Chỉ đạo đơn vị thi công tập kết gỗ tận thu trên tuyến đảm bảo an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn cho người và phương tiện.
Đặc biệt, chính quyền địa phương đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công không tập kết vật liệu, xây dựng lán trại lấn chiếm lòng lề đường. Máy móc, phương tiện thi công phải có người hướng dẫn, quản lý ra vào các điểm thi công để đảm bảo an toàn. Phương tiện vận chuyển đất, đá, vật liệu…phải che phủ bạt, đi đúng tốc độ, phần đường quy định…
Tuyến đường vừa thi công, vừa khai thác nên cần có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Trao đổi với chúng tôi về việc tập kết gỗ trên mặt đường, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (đơn vị được giao tổ chức tận thu gỗ của dự án) cho hay, theo hồ sơ thiết kế thì khối lượng gỗ tận thu là khoảng 1.300m3, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng bị ảnh hưởng của dự án là gần 40ha. Công ty đã hợp đồng, thuê Công ty TNHH MTV Thạch Anh Phú tổ chức khai thác gỗ tận thu và sẽ tiến hành đấu giá theo quy định.
Cũng theo ông Hải, hồ sơ thiết kế tận thu gỗ không có thiết kế bãi tập kết nên đơn vị phải tập kết gỗ trên đường, những vị trí thuận lợi. Công ty sẽ làm việc lại với đơn vị khai thác để tập kết, sắp xếp gỗ gọn gàng, đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum cho biết sẽ kiểm tra, tổng hợp các nội dung phản ánh mất an toàn giao thông và thông tin cụ thể sau.
Được biết, dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây và Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi có tổng chiều dài khoảng 62km. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, bề rộng nền đường 9m. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.300 tỷ đồng và được triển khai xây dựng từ tháng 12/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Chí Hào