Hàng loạt trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh năm 2025
ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố 6 điểm mới trong kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 liên quan đến: Cấu trúc đề thi mới; Số lượng câu hỏi và cách đặt câu hỏi trong mỗi chủ đề; Câu hỏi gắn với tình huống thực tiễn, tác phẩm ngoài SGK; Câu hỏi chùm xuất hiện trong tất cả các phần thi; Thí sinh được lựa chọn phần thi thứ ba; Điều chỉnh lịch thí sinh đăng ký dự thi lần đầu để giảm nghẽn mạng như năm ngoái. Năm 2025, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt thi từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi đợt có khoảng 15.000 thí sinh tham gia. Đợt thi đầu tiên dự kiến diễn ra ngày 15-16/3/2025, thí sinh bắt đầu đăng ký từ ngày 8/2/2025.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục là kỳ thi quy mô lớn nhất cả nước, với hơn 105 cơ sở giáo dục sử dụng kết quả để xét tuyển. Cấu trúc đề thi năm 2025 giữ nguyên với 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề (Thí sinh chọn 3 trong 6 nhóm vấn đề để làm bài).
Năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy: Đợt 1 từ 18-19/1/2025 (mở đăng ký từ 1-6/12/2024); Đợt 2 từ 8-9/3/2025 (mở đăng ký từ 1-6/2/2025); Đợt 3 từ 26-27/4/2025 (mở đăng ký từ 1-6/4/2025). Đề thi bao gồm 3 phần độc lập: Tư duy toán học; Tư duy đọc hiểu; Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề. Kỳ thi dự kiến phục vụ khoảng 75.000 lượt thí sinh.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2024.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng vào năm 2025, chỉ diễn ra một lần tại 3 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng và Quy Nhơn. Mỗi bài thi có phần trắc nghiệm và tự luận.
Từ năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ không áp dụng điểm học bạ trong phương thức xét tuyển kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Đề thi đánh giá năng lực dựa trên chương trình giáo dục phổ thông 2018, với 70-80% kiến thức lớp 12 và phần còn lại thuộc lớp 10, 11. Phương thức này dự kiến chiếm 30-50% chỉ tiêu trong năm 2024.
Kỳ thi V-SAT là kỳ thi đánh giá đầu vào do các trường đại học phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Hiện có 18 trường thỏa thuận tổ chức thi và sử dụng chung kết quả thi V-SAT để tuyển sinh năm 2025. Kỳ thi được đánh giá là bám sát chương trình phổ thông và có tính phân loại cao. Các trường tổ chức thi V-SAT tự chủ trong việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT; đồng thời ưu tiên công nhận và sử dụng chung kết quả của các kỳ thi V-SAT.
Kỳ thi tuyển sinh riêng của Bộ Công an gồm phần trắc nghiệm (tư duy logic, xử lý tình huống) và tự luận (toán, ngữ văn). Kỳ thi dự kiến được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là năm thứ ba kỳ thi được Bộ Công an tổ chức để làm căn cứ xét tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân. Theo Bộ Công an, kỳ thi đánh giá năm 2024 có khoảng 18.000 thí sinh tham gia, tăng 20% so với năm 2023.
Khối trường quân đội đang xây dựng phương án thí điểm tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đại học, cao đẳng trên máy tính. Đề thi sẽ bao gồm kiến thức tổng hợp các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên và xã hội. Kết quả được sử dụng để xét khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Trung tâm luyện thi đáng tin cậy nhất chính là các trường THPT
Thời điểm này, khi học kỳ I sắp kết thúc, ngoài học kiến thức cốt lõi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh lớp 12 cho biết đang tìm "lò" luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
Dành lời khuyên cho thí sinh trong thời điểm này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi đánh giá năng lực triển khai phiên bản mới từ năm 2021 trở lại đây. Tuy nhiên, phụ huynh, học sinh luôn có tâm lý: Phải ôn thi, vào "lò luyện" mới yên tâm. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều nhóm luyện thi lôi kéo học sinh ôn luyện theo theo kiểu "2 trong 1" - vừa ôn thi đánh giá năng lực, vừa ôn thi tốt nghiệp.
Theo Giám đốc Trung tâm Khảo thí, bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo chương trình GDPT và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới. Bài thi được thiết kế nhóm chính: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự học và khám phá và ứng dụng khoa học (tự nhiên - xã hội)/công nghệ.
Bài thi gồm 3 phần tư duy định tính (60 phút), tư duy định lượng (75 phút), khoa học (60 phút). Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến 3 và được phần định theo tỷ lê: Cấp độ 1: 20%, cấp độ 2: 60%, cấp độ 3: 20%.
Vì thế, bài thi đánh giá năng lực không đơn giản là kiến thức một lĩnh vực hay một dạng nào đó, mà đòi hỏi học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng phân tích tổng hợp, tư duy hệ thống, hiểu bản chất sự việc. "Những thứ đó không trung tâm nào có thể cung cấp cho thí sinh trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi quá trình tích lũy từ khi ngồi trên ghế nhà trường".
"Thí sinh cần học tập nghiêm túc, chăm chỉ trong từng bài học, giờ kiểm tra và làm quen với đề thi tham khảo của kỳ thi đánh giá năng lực. Trung tâm luyện thi đáng tin cậy nhất chính là các trường THPT. Nếu các em học tốt toàn bộ chương trình THPT thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc luyện thi lan man tại các trung tâm", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyên.
Đỗ Vi