Thí điểm công cụ mới đo lường chất lượng cuộc sống gia đình

Thí điểm công cụ mới đo lường chất lượng cuộc sống gia đình
6 giờ trướcBài gốc
Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc là cơ sở khoa học để xây dựng, đánh giá và điều chỉnh các chính sách về gia đình. Ảnh minh họa
Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc là tập hợp các tiêu chí định lượng nhằm đo lường và đánh giá mức độ hài lòng của các thành viên trong gia đình đối với những yếu tố nền tảng như: mức độ gắn kết giữa các thành viên, điều kiện vật chất, sức khỏe thể chất và tinh thần, môi trường sống, vị thế xã hội của gia đình. Mỗi tiêu chí được lượng hóa bằng thang điểm có trọng số cụ thể, có thể áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội.
Công cụ này không chỉ là một thước đo, mà còn là cơ sở khoa học để xây dựng, đánh giá và điều chỉnh các chính sách về gia đình, hướng tới phát triển toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ý tưởng về Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc đã được khởi động từ năm 2022, khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 1449/QĐ-BVHTTDL giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm bộ chỉ số này. Tỉnh Yên Bái (cũ) là một trong những địa phương đầu tiên được chọn thí điểm. Sau đó, đến tháng 10/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3046/QĐ-BVHTTDL để “xây dựng, tổ chức thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc và tổng kết, đánh giá”. Qua đó, tiếp tục xác định lộ trình xây dựng, tổ chức hội thảo tham vấn và chuẩn bị thí điểm quy mô rộng hơn.
Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc chính thức bước vào giai đoạn triển khai thực tế với Quyết định số 2514/QĐ-BVHTTDL, trong đó Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện được giao chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng triển khai thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Tại mỗi địa phương, một phường và một xã sẽ được lựa chọn để thực hiện mô hình.
Hoạt động thí điểm bao gồm các nội dung: lựa chọn địa bàn phù hợp, tổ chức tuyên truyền, tập huấn về bộ chỉ số, tiến hành khảo sát thực tế mức độ hài lòng của người dân đối với từng tiêu chí trong bộ chỉ số.
Thông qua hoạt động khảo sát, có thể thu thập đầy đủ thông tin, từ đó đánh giá tính khả thi, hiệu quả và tác động của bộ chỉ số đối với nhận thức và hành vi của người dân. Kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để hoàn thiện công cụ này trước khi áp dụng rộng rãi trên toàn quốc vào năm 2030.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh yêu cầu tổ chức các hoạt động thí điểm một cách thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả, trong đó đặc biệt lưu ý tính phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương.
Tài liệu hướng dẫn triển khai cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với đa dạng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, quá trình triển khai phải bảo đảm tính bền vững, có sự theo dõi thường xuyên, đánh giá định kỳ và điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế.
Mây Hạ
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thi-diem-cong-cu-moi-do-luong-chat-luong-cuoc-song-gia-dinh-425517.html