Ngày 30-10, Quốc hội nghe báo cáo các tờ trình và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM điều hành phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC
Các đại biểu Quốc hội (ĐB) đã thảo luận sâu về những bất cập, giải pháp xử lý vật chứng và tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án liên quan đến tham nhũng và kinh tế. Phiên thảo luận xoay quanh Dự thảo Nghị quyết thí điểm nhằm cải thiện quy trình xử lý tài sản để ngăn chặn tình trạng tẩu tán và giảm thiểu lãng phí tài sản trong các vụ án hình sự.
Chậm xử lý gây lãng phí rất lớn
ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cho rằng, xử lý vật chứng và tài sản trong các vụ án thường kéo dài không chỉ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà còn sang cả giai đoạn thi hành án.
ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB lấy ví dụ, nhiều vụ án kéo dài hàng chục năm mà tài sản vẫn chưa được xử lý triệt để. Trong các vụ án tham nhũng, khi xác định được tài sản liên quan đến tội phạm, đôi khi không thể xử lý ngay lập tức, cho phép các đối tượng có thời gian tẩu tán tài sản trước khi vụ án được khởi tố.
ĐB Dương Văn Thăng (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
"Có những tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử lẽ ra phải xử lý sớm nhưng không xử lý được, để đến khi tòa xét xử thì gây ra tình trạng lãng phí, tài sản không được đưa vào sử dụng, khai thác.
Có những tài sản mà kể cả bị can, bị cáo, bị hại muốn xử lý nhưng không xử lý được. Nếu xử lý thì sẽ không gây ra tình trạng lãng phí và khắc phục thiệt hại", ĐB Dương Ngọc Hải nêu thực trạng.
ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) cho biết, vướng mắc trong xử lý tài sản và vật chứng không chỉ giới hạn ở các vụ án tham nhũng mà còn phổ biến ở nhiều tội danh khác liên quan đến tài sản.
ĐB nêu ví dụ về các vụ án buôn lậu điện thoại di động trị giá hàng tỷ đồng. Nếu không có cơ chế xử lý sớm, tài sản sẽ mất giá nghiêm trọng trong thời gian chờ thi hành án. Một chiếc điện thoại trị giá 30 triệu đồng ban đầu, sau 1 năm có thể chỉ còn 15 triệu đồng hoặc không ai muốn mua.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Sang, tài sản là tiền thu giữ hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng nhưng đưa vào tài khoản tạm giữ không phát sinh tiền lời, tiền lãi gì.
ĐB Lê Thanh Phong (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB đề xuất cơ chế chuyển tiền mặt tạm giữ vào ngân hàng để sinh lãi, thay vì giữ trong tài khoản tạm giữ không sinh lời. Số tiền lãi này có thể phục vụ khắc phục hậu quả cho nạn nhân, hoặc nếu tài sản bị sung công thì tiền lãi trở thành tài sản của Nhà nước, tránh lãng phí và tăng hiệu quả sử dụng tài sản thu giữ.
Bên cạnh đó, ĐB đề xuất mở rộng nghị quyết thí điểm với các tội phạm nghiêm trọng và sau 3 năm thí điểm, cần tiến hành sơ kết, đánh giá để sửa đổi luật một cách toàn diện.
Đảm bảo quyền sở hữu tài sản
Theo ĐB Dương Ngọc Hải, nghị quyết thí điểm này là cần thiết để xử lý sớm tài sản trong quá trình tố tụng, qua đó có thể tận dụng nguồn tài sản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tránh lãng phí.
ĐB cũng đề nghị làm rõ cách thức xử lý các tài sản không xác định được có liên quan đến hành vi phạm tội hay không, nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đồng tình với các ĐB khác về việc cần thiết xử lý tài sản sớm để tránh lãng phí, nhưng đưa ra cảnh báo về các tác động xã hội và ảnh hưởng đối với quan hệ dân sự, thương mại nếu không cân nhắc kỹ trong quá trình soạn thảo nghị quyết.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB cho rằng, ở giai đoạn tin báo tố giác, chưa có khái niệm về vật chứng và do đó việc phong tỏa tài sản của cá nhân có liên quan một cách mơ hồ có thể gây bất lợi. ĐB lấy ví dụ trường hợp một tổng giám đốc bị bắt giữ nhưng tài sản của vợ con cũng bị phong tỏa trong khi chưa xác định được có liên quan đến hành vi phạm tội hay không.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng khuyến nghị cần có biện pháp kiểm soát từ đầu để ngăn chặn nghi can tẩu tán tài sản, song đồng thời cũng phải đảm bảo quyền lợi của người bị hại và các bên liên quan khác.
ĐB nhấn mạnh nghị quyết này phải được soạn thảo kỹ lưỡng để không gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ dân sự, quyền sở hữu tài sản của công dân và nhà đầu tư, đồng thời tránh những tác động tiêu cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, báo cáo thẩm tra liên quan đến nội dung "biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản", Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành quy định của dự thảo và cho rằng, đây là biện pháp có vai trò rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tội phạm xâm phạm sở hữu thì không nên giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp này.
Về "biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản", Ủy ban Tư pháp cũng tán thành quy định của dự thảo và cho rằng, trong quá trình tố tụng nếu cho phép thực hiện sớm việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đã kê biên, phong tỏa qua hình thức bán đấu giá sẽ tạo khả năng thu hồi các khoản bồi thường thiệt hại cao hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả bị hại và người bị buộc tội.
VĂN MINH