Thi nhan sắc ngày nay không còn quá khó khăn!
Nhiều cuộc thi nhan sắc dù mới hay cũ đều gấp rút tìm hướng đổi mới, nhằm thoát tình cảnh "chìm sâu" giữa thị trường ngày càng bão hòa. Trong đó, "nới lỏng" tiêu chí và bỏ qua khâu sàng lọc thí sinh là phương pháp điển hình được nhiều sân chơi áp dụng.
Nhiều cuộc thi nhan sắc nới lỏng tiêu chí chọn lựa thí sinh để đổi mới, tạo sự thu hút.
Miss Universe mở màn cho trào lưu này, bắt đầu từ mùa giải 2018 với sự góp mặt của Angela Ponce - thí sinh chuyển giới đầu tiên trong nhiều thập kỷ tổ chức. Đến khi cuộc thi về tay chủ mới là bà Anne Jakkaphong Jakrajutatip vào năm 2022, hướng đi này lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngoài người chuyển giới, nhiều thí sinh ngoại cỡ, đã từng kết hôn, sinh con và không giới hạn tuổi tác cũng được phép tham dự Miss Universe. Thông tin này tạo nên "cú hích" truyền thông lớn trên toàn thế giới. Ở mùa giải liền kề, các người đẹp nằm trong trường hợp này cũng "intop". Thậm chí, đại diện Colombia - thí sinh đã sinh con còn băng băng ghi danh vào top 5 chung cuộc.
Người đẹp đã sinh con đầu tiên lọt top 5 - Miss Universe.
Tiếp bước Miss Universe, nhiều cuộc thi nhan sắc khác dành cho phụ nữ lẫn nam giới cũng bỏ qua khâu sàng lọc thí sinh. Đơn cử như cuộc thi Miss Fabulous Thailand hay Mister Majestic Cambodia nên mới có sự xuất hiện của nhiều thí sinh "đẹp lạ", bất chấp những làn sóng tiêu cực.
Nhiều khán giả đặt câu hỏi: "Liệu thi sắc đẹp ở thời điểm này dễ dãi hơn xưa?". Khi trước đó, thí sinh từ các sân chơi này, bất kể nam hay nữ đều phải đảm bảo đạt những tiêu chí khắt khe về nhiều điểm của ngoại hình.
Lai Thai - thí sinh cuộc thi Nam vương Campuchia gây bão truyền thông vì vẻ "đẹp lạ".
Chiêu trò "câu view" hay bước tiến cho sự bao dung?
Thực tế cho thấy, xã hội hiện đại ngày càng đề cao sự đa dạng, tính toàn diện và khả năng truyền cảm hứng của một con người – thay vì chỉ chú trọng vào ngoại hình. Chính vì vậy, việc nới lỏng các tiêu chí lựa chọn thí sinh trong các cuộc thi nhan sắc, dù là dành cho nữ hay nam giới, phản ánh rõ định hướng mới trong việc xây dựng những giá trị nhân văn.
Ngày nay, các sân chơi này đang dần chuyển dịch khỏi mô hình truyền thống của “thi hoa hậu” hay “thi nam vương”, để hướng tới mục tiêu tìm kiếm những cá nhân có khả năng truyền cảm hứng. Họ không chỉ đại diện cho hình mẫu con người thời đại mới - biết trân trọng những giá trị sẵn có của bản thân, mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng.
Ở một góc nhìn khác, cuộc thi sắc đẹp hiện nay cũng đóng vai trò như một “sản phẩm truyền thông”. Những thí sinh gây tranh cãi vì sở hữu ngoại hình khác biệt có thể tạo ra lượng tương tác khổng lồ, khiến cuộc thi nhanh chóng trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội và thu hút sự tò mò của khán giả.
Miss Universe 2023 là mùa giải chứng kiến sự quy tụ của thí sinh chuyển giới, thí sinh ngoại cỡ, thí sinh đã sinh con và làm mẹ. (Ảnh tổng hợp)
Nếu chỉ dừng lại ở việc "làm nóng truyền thông" và không trao những quyền lợi công bằng cho những thí sinh trong trường hợp này sẽ tạo nên "phản ứng ngược" khiến cuộc thi nhan sắc "vấy bẩn" về mặt danh tiếng.
Sự việc này đã từng xảy ra với phía Miss Universe khi cuộc họp kín của tổ chức này bất ngờ bị rò rỉ. Theo đó, bà Anne Jakkaphong Jakrajutatip gây sốc khi tuyên bố sẽ không cho phép người phụ nữ chuyển giới, đã kết hôn và có con giành chiến thắng. Bà còn thẳng thắn cho rằng việc nới lỏng tiêu chí là cách để tăng độ tiếp cận khán giả và kinh doanh.
Sự việc đã khiến ban tổ chức Miss Universe hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội. Đồng thời, nó cũng tạo ra tâm lý hoài nghi trong dư luận mỗi khi một sân chơi sắc đẹp tuyên bố “nới lỏng tiêu chí”. Không ít khán giả đặt dấu hỏi: Liệu đây có thực sự là một bước tiến của sự bao dung, hay chỉ là chiêu trò thu hút sự chú ý, tạo hiệu ứng truyền thông?
Bà Anne Jakkaphong Jakrajutatip gây tranh cãi khi tuyên bố chọn những thí sinh "lệch nhiều chí" chỉ để tăng độ tiếp cận với khán giả.
Việc thay đổi tiêu chí, bỏ qua khâu sàng lọc thí sinh là xu hướng tất yếu, mang điểm tích cực trên bề mặt nếu các cuộc thi nhan sắc áp dụng nó một cách có định hướng. Nhưng cũng khó thể tránh khỏi những tranh cãi, dù cuộc thi đó không mang chủ đích biến các thí sinh đặc biệt này thành "con cờ truyền thông".
Tie Nguyên