Giám sát chặt bằng công nghệ
Là người có tới 4 lần thi bằng lái xe mới đỗ, chị Nguyễn Thị Tình, 27 tuổi, hiện sống và làm việc tại Hà Nội cho biết, đầu năm 2023, chị bắt đầu học lái xe để lấy bằng hạng B2.
"Có lẽ bản thân tôi cũng không thể ngờ việc thi sát hạch để được cấp giấy phép lái xe (GPLX) lại khó khăn tới vậy", chị Tình nói và cho biết đăng ký học lái ở một trung tâm ở quận Thanh Xuân. Trước khi bước vào thi sát hạch, chị đã phải đạt đủ 810km đường trường, mất khoảng 3 - 4 tháng để hoàn thành xong quãng đường này và dần có được cảm giác lái tốt hơn.
Mất thêm khoảng 1 - 2 tháng học trong sa hình, chị bước vào thi sát hạch, thời gian quá gấp khiến tôi không kịp ôn lý thuyết và trượt ngay ở lần thi đầu tiên.
"Ở lần thứ 2, tôi đã rút kinh nghiệm và dễ dàng vượt qua cả lý thuyết và mô phỏng. Dù vậy, những thao tác chưa chuẩn khiến tôi bị trừ khá nhiều điểm. Một lần nữa tôi lại thi trượt.
Lần thứ 3, một chút thiếu tập trung ở đoạn đề pa lên dốc khiến tôi bị đánh trượt vì để xe trôi lại phía sau.
Những lần thi trượt trước đó cho tôi kinh nghiệm để hoàn thành tốt phần thi sa hình ở lần thi thứ 4. Sau đó, tôi cũng không khó khăn để hoàn thành bài thi đường trường và nhận bằng B2", chị Tình nói và chia sẻ: Qua các lần thi tôi thấy việc giám sát chặt chẽ bằng công nghệ và khó khăn của bài thi là cần thiết để đảm bảo sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông trên đường.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, thời gian qua, Cục Đường bộ VN đã tập trung chỉ đạo, siết chặt quy trình quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa, công khai hóa và giám sát chặt chẽ quá trình sát hạch lái xe.
Đối với sát hạch lý thuyết, người dự sát hạch thực hiện bài sát hạch trên máy vi tính với các đề sát hạch ngẫu nhiên lấy trong bộ câu hỏi. Phòng sát hạch có gắn camera lưu trữ dữ liệu và truyền ra màn hình trong phòng Hội đồng sát hạch, phòng chờ sát hạch của thí sinh và truyền về Cục Đường bộ VN để các cơ quan có liên quan tham gia giám sát.
Từ năm 2022, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông được áp dụng vào sát hạch. Phần mềm này gồm 120 video là các tình huống gây mất ATGT xảy ra trong thực tế để người học nghiên cứu, nhận biết, phán đoán và đưa ra phương án xử lý để đảm bảo an toàn.
Đối với sát hạch thực hành lái xe trong hình, ông Thống cho biết, trước đây, các bài sát hạch tiến và lùi xe qua các cọc chuẩn, cán bộ sát hạch ngồi trên xe cùng với thí sinh để chấm điểm. Đến nay, sân sát hạch được xây dựng theo quy chuẩn, có đủ tình huống tương tự như các tình huống giao thông trong thực tế.
Khi sát hạch, không có cán bộ sát hạch ngồi trên ô tô sát hạch, thí sinh tự điều khiển ô tô qua các bài sát hạch trong sân, thiết bị tự động chấm điểm, trực tiếp thông báo kết quả trên ô tô sát hạch và biên bản tổng hợp được in ra từ máy tính có in ảnh người dự thi. Quá trình thí sinh thực hiện bài sát hạch, các lỗi vi phạm và kết quả sát hạch của thí sinh tại từng bài sát hạch được công khai để thí sinh và người dân giám sát.
Hạn chế thấp nhất tiêu cực
Ông Lương Duyên Thống cũng cho biết, hiện nay, dữ liệu giám sát phòng sát hạch lý thuyết và các bài sát hạch lái xe trong hình của các Trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc đã được kết nối về Cục Đường bộ VN để chia sẻ đến các cơ quan có thẩm quyền giám sát công tác sát hạch từ ngày 1/1/2020.
Với việc đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ tự động tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong hình, lái xe trên đường và tổ chức giám sát các kỳ sát hạch, việc sát hạch lái xe được thực hiện công khai minh bạch, hạn chế sự can thiệp của con người vào kết quả sát hạch nên chất lượng sát hạch đã nâng cao rõ rệt, các tiêu cực đã được hạn chế tới mức thấp được dư luận rất đồng tình, đánh giá cao.
Trước đây thi bằng phương pháp thủ công và có cán bộ sát hạch ngồi trên xe để chấm thi, tỉ lệ học viên thi lái xe ôtô đạt 90 - 95%, tuy nhiên, sau khi áp dụng thiết bị, công nghệ chấm thi tự động tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành, tỉ lệ trung bình thi đạt lái xe ô tô là 50 - 65%.
Kết quả ứng dụng công nghệ chấm thi lái xe ôtô cho cho thấy chất lượng sát hạch đã nâng rõ rệt. Các cuộc thi thi sát hạch được thực hiện công khai minh bạch, hạn chế sự can thiệp của con người vào kết quả. Do đó, đã hạn chế các tiêu cực tới mức thấp nhất và được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
"Tổ chức Y tế thế giới WHO và tổ chức đường bộ Vicroad của Australia đánh giá về chương trình đào tạo sát hạch cấp giấy phép của Việt Nam chặt chẽ và hiện đại so với một số nước phát triển", ông Thống cho biết.
PV