Thí sinh căng thẳng, điểm chuẩn đại học dự kiến giảm

Thí sinh căng thẳng, điểm chuẩn đại học dự kiến giảm
14 giờ trướcBài gốc
Mất ngủ chờ điểm thi
Năm 2025, có 1.165.289 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng 93.894 thí sinh so với năm 2024 (1.071.395 thí sinh). Khác với mọi năm, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm trước thời gian biết điểm của từng thí sinh. Phổ điểm và phân tích phổ điểm năm nay được dư luận đặc biệt chờ đợi sau nhiều ý kiến cho rằng đề thi một số môn như Toán, Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quá khó. Sau khi biết phổ điểm, với điểm trung bình nhiều môn không cao, nhiều thí sinh, phụ huynh lo lắng, mất ngủ chờ đến 8 giờ ngày 16-7. Em Trịnh Minh Châu, lớp 12, Trường THPT Nguyễn Huệ (phường Nghĩa Đô, TP Hà Nội) cho biết, dù em làm bài thi không quá tệ nhưng gần đến khi biết điểm, hầu như cả nhà đều hồi hộp.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại điểm Trường THCS Cầu Giấy (phường Yên Hòa, TP Hà Nội). Ảnh: THÁI HƯNG
Mức phổ điểm không cao nên nhiều chuyên gia dự báo điểm chuẩn đại học các ngành năm nay giảm so với năm 2024. Cô Hoàng Thị Nguyệt Ánh, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho rằng: “Phổ điểm có độ phân hóa rộng hơn nên sẽ làm thay đổi mức độ điểm xét tuyển vào các trường đại học khá nhiều. Đặc biệt, với khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) sẽ có biến động giảm ít nhất 2 điểm”. PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định mức trung bình thấp hơn những năm trước, đặc biệt các môn có tính phân hóa mạnh như Toán và Tiếng Anh có thể giảm từ 0,5 đến 1,5 điểm, tác động trực tiếp đến điểm chuẩn của các tổ hợp có liên quan. Chiều 15-7, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng (điểm sàn) của các phương thức xét tuyển. Trong đó, nếu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên là đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường, giảm 1 đến 4 điểm so với năm ngoái.
Tranh luận điểm thi Toán, Tiếng Anh
Trong các môn thi, đề thi và điểm thi Toán, Tiếng Anh có nhiều ý kiến nhất. Môn Toán dù có tới 513 bài thi đạt điểm 10 (năm 2024 không có bài thi nào) nhưng điểm trung bình đạt thấp nhất (4,78 điểm) và số thí sinh bị điểm liệt (điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1) cao nhất, lên tới 777 trong tổng 936 điểm liệt của tất cả các môn trên cả nước. Tiếng Anh là môn tự chọn, nghĩa là chỉ những học sinh học vững môn này mới chọn, có số điểm trung bình thấp thứ hai (5,38 điểm); số thí sinh bị điểm liệt cao nhất trong các môn tự chọn với 28 em.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhìn nhận: "Năm nay, phổ điểm ở các môn thi khác khá đẹp. Tuy nhiên, phổ điểm môn Toán và Tiếng Anh cho thấy tỷ lệ thí sinh dưới trung bình rất cao. Đó là con số trung bình của cả nước, còn nếu xét theo vùng, miền thì có lẽ tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Thứ hai, dải điểm 8-10 khá ít, tập trung nhiều vào 6-7 điểm. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng học sinh khá hay giỏi đều vào đại học. Kỳ thi như vậy không thật hoàn chỉnh. Ngoài ra, kỳ thi cần bảo đảm giá trị trung bình của các môn đồng đều, tạo công bằng để thí sinh xét tuyển vì thí sinh dùng Toán, Tiếng Anh để xét tuyển vào đại học sẽ chịu thiệt thòi hơn những thí sinh sử dụng các môn khác. Cùng học lực, cùng nỗ lực nhưng nếu chọn nhầm môn thi thì kết quả có thể chênh lệch tới 1-1,5 điểm. Với cơ chế xét tuyển đại học chủ yếu dựa vào điểm thi, đây là một bất công âm thầm mà rất nhiều thí sinh không nhìn thấy được".
Ở góc độ khác, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức (nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, đề thi môn Toán năm nay là minh chứng rõ ràng cho sự phân hóa năng lực. Điểm trung bình không cao nhưng hợp lý, cho thấy đề thi yêu cầu học sinh vận dụng tư duy thay vì học thuộc lòng. "Điểm thấp không phải thất bại mà là dấu hiệu đề thi đã đánh giá đúng bản chất năng lực", ông nhấn mạnh. Tương tự, với môn Ngữ văn, dù đổi mới cách ra đề vẫn ghi nhận phổ điểm cao, chứng tỏ học sinh đã thích ứng tốt với yêu cầu mới. Môn Tiếng Anh cũng có bước tiến, với phổ điểm tích cực hơn, đặc biệt tại các tỉnh miền núi nhờ đầu tư hiệu quả vào giáo dục ở vùng khó khăn.
Từ kết quả kỳ thi năm nay, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng, giáo viên cần thay đổi phương pháp dạy, tập trung phát triển năng lực thay vì chỉ truyền đạt kiến thức theo mẫu.
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT (công bố lúc 8 giờ ngày 16-7), thí sinh có nhu cầu sẽ nộp đơn phúc khảo, hạn cuối là ngày 25-7. Từ ngày 16-7 đến 17 giờ ngày 28-7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học. Thí sinh được điều chỉnh không giới hạn số lần trong thời gian này. Lệ phí xét tuyển trực tuyến nộp từ ngày 29-7 đến 17 giờ ngày 5-8.
Theo Quân đội nhân dân
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/thi-sinh-cang-thang-diem-chuan-dai-hoc-du-kien-giam-a424445.html