Thí sinh đạt tối thiểu 8 điểm/ môn mới được xét tuyển ngành vi mạch bán dẫn

Thí sinh đạt tối thiểu 8 điểm/ môn mới được xét tuyển ngành vi mạch bán dẫn
6 giờ trướcBài gốc
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành quyết định chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.
Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên ngành vi mạch bán dẫn.
Theo đó, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo đối với bậc cử nhân, kỹ sư yêu cầu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tổ hợp xét tuyển của thí sinh phải có môn Toán, có ít nhất một môn thuộc Khoa học tự nhiên phù hợp chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn. Tổng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 80% thang điểm xét. Ví dụ, tối thiểu 24/30 điểm đối với tổ hợp 3 môn. Trong đó, điểm bài thi môn Toán phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, tức tối thiểu đạt 8/10 điểm.
Đối với thí sinh đã có bằng đại học tham gia xét tuyển phải có điểm trung bình tích lũy của chương trình tốt nghiệp đã đào tạo đạt từ 2,8/4 trở lên (hoặc tương đương). Đối với thí sinh là sinh viên đang học từ các chương trình đào tạo khác chuyển sang chương trình đào tạo về vi mạch, bán dẫn phải có điểm trung bình tích lũy từ 2,5/4 và một số điều kiện khác. Với thí sinh dự tuyển trình độ thạc sĩ, ngoài thuộc quy định của Bộ GD&ĐT cần phải có điểm trung bình trung tích lũy của chương trình đào tạo đại học đã tốt nghiệp từ 2,8/4 trở lên hoặc tương đương.
Bộ GD&ĐT cũng công bố danh sách các ngành đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn và chuẩn đầu ra của các ngành/chương trình đào tạo, trong đó bậc đại học có 38 ngành và thạc sĩ 37 ngành.
Trước đó, vào tháng 9/2024, Chính phủ đã thông qua chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển cả về chất lượng và số lượng.
Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị các trường đại học có chính sách ưu tiên, gồm học bổng, miễn giảm học phí, ký túc xá cho sinh viên ngành học này.
Huyền Thanh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-duc/thi-sinh-dat-toi-thieu-8-diem-mon-moi-duoc-xet-tuyen-nganh-vi-mach-ban-dan-i768453/