Ngày 3-4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị - tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Hội nghị tập huấn quy chế thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: NQ
Thí sinh dự thi tăng mạnh, áp lực lên khâu tổ chức
Tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết năm nay có khoảng 126.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 17.000 so với năm ngoái, đây là áp lực khá lớn. TP đã huy động 16.000 người tham gia công tác coi thi.
Thời điểm này, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn, tham mưu TP thành lập ban chỉ đạo, sau đó tổ chức hội nghị tập huấn thi.
Tuy nhiên, do số lượng thí sinh khá lớn, số thí sinh tự do đa số đăng ký dự thi vào những ngày cuối gây áp lực cho đội ngũ. Công tác sắp xếp phòng thi cũng khá vất vả, việc xuất file dữ liệu lớn, chậm, dẫn đến mất nhiều thời gian.
“Với công tác in sao đề thi, chúng tôi xác định đây là công việc quan trọng cần phải làm kỹ vì có những điểm mới. Với số lượng thí sinh lớn nhất nước, chúng tôi mong Ban chỉ đạo thi cung cấp đề thi sớm hơn 2 ngày so với các địa phương khác để có thời gian chuẩn bị.
Năm ngoái, Hà Nội có 11 ngày in sao đề thi, mọi việc rất gấp gáp trong khi năm nay tăng thêm 17.000 thí sinh so với năm ngoái” - vị này nói.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÂN PHÚC
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết số thí sinh tự do dự thi là gần 10.000 em.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được thực hiện dành cho cả 2 đối tượng học sinh. Trong khi đó, số lượng thí sinh dự thi chương trình 2006 tại TP rất nhiều, áp lực cho khâu tổ chức. Từ đó, Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có bộ đề thi và chuyển sớm vào cho các địa phương, trong đó ưu tiên chuyển đề thi của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trước.
“Với số lượng thí sinh lớn thứ hai cả nước, TP.HCM phải huy động số lượng máy móc khủng để đáp ứng. Do đó, sở đề nghị có thêm nhân sự kỹ thuật để phòng trường hợp máy bị hỏng hóc trong quá trình thực hiện” - ông Quốc nói
Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đề xuất Bộ GD&ĐT sớm ban hành hướng dẫn cụ thể chi tiết về quy trình in sao đề thi cho học sinh chương trình 2006 và học sinh chương trình mới.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm mới, khó hơn, phức tạp hơn, yêu cầu cao hơn do đó việc tổ chức kỳ thi phải thật sự cẩn thận.
“Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ thi cho các đơn vị, bộ phận có liên quan. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ tăng cường sự phối hợp với các lực lượng trong quá trình tổ chức thi” - vị này nhấn mạnh.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8 trong 1 tiết học. Ảnh: NTCC
Tỉnh Bình Dương đã tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng 11 môn học lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết sau hội nghị này, sở sẽ triển khai tập huấn cho các trường, chỉ đạo các trường tổ chức thi thử.
“Mỗi trường thi thử 2 lần, đề thi bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Việc này vừa giúp học sinh làm quen cách thi mới, giúp thầy cô làm quen việc coi thi theo phương thức thi mới” - vị này nhấn mạnh.
Còn ông Tạ Thành Vũ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho hay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, 32 trường học trên địa bàn đều tự nguyện ôn thi miễn phí cho học sinh. Địa phương quyết tâm bồi dưỡng ôn thi tốt, giữ vững chất lượng của năm học này như năm học trước.
Đề xuất các địa phương tổ chức thi thử
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÂN PHÚC
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh muốn thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao phải ôn thi thật tốt.
“Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT không phải cấm dạy thêm, học thêm. Do đó, các trường phải xác định việc ôn thi là trách nhiệm, nơi nào học sinh yếu kém là việc dạy học chương trình chính khóa chưa tốt, không có lý do bao biện là do thông tư 29.
Bộ GD&ĐT không khuyến khích dạy thêm tự nguyện mà hãy dạy đúng giờ chính khóa, đổi mới phương pháp, phân chia đối tượng, không cào bằng học sinh.
Bên cạnh đó, các đơn vị phải tổ chức nhiều phương thức ôn thi như: Học nhóm, thuyết trình, phối hợp thầy cô nhiều kinh nghiệm tổ chức ôn thi trên truyền hình để mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận giáo viên giỏi” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Năm nay kỳ thi có nhiều điểm mới, do đó Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các trường phải tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12. Thi thử nhưng phải vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả đó để đánh giá, phân loại học sinh.
Theo Thứ trưởng Thưởng, các em thiếu kỹ năng gì, kiến thức gì thì thầy cô bổ sung cho phù hợp. Trong đó, trường cần rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước để phát hiện ưu nhược điểm, rủi ro và đưa ra giải pháp.
Cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải được chuẩn bị từ sớm, từ xa và kỹ lưỡng, dự báo những tình huống phát sinh. Trong đó, chuẩn bị con người là quan trọng nhất vì máy móc thiết bị không có con người cũng không làm được.
“Những điều đảm bảo mục đích của kỳ thi, không phát sinh thủ tục hành chính, gây tốn kém thì các địa phương cứ tự tin, mạnh dạn thực hiện. Ngành giáo dục cần chủ động đề nghị các đơn vị như công an, y tế, điện lực… hỗ trợ, phối hợp để không chồng chéo và bỏ sót việc.
Mặt khác, các tỉnh, thành phải làm tốt công tác truyền thông, chủ động kịp thời và hiệu quả, nhất là các điểm mới của kỳ thi và việc đề thi là tối mật, nếu vi phạm thì phải xử lý hình sự để học sinh biết và tránh xa” - ông Thưởng nói.
Theo ông Thưởng, đề thi phải đúng, phù hợp với chương trình. Khâu in sao đề thi rất quan trọng nhưng không được ép tiến độ, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và xảy ra sai sót.
Các đơn vị không lơ là để xảy ra sai sót trong khâu coi thi vì một phòng thi lộ đề ảnh hưởng đến cả kỳ thi, công tác chuẩn bị toàn ngành như thất bại, mất niềm tin của cả xã hội.
Thứ trưởng cũng cho biết trước đề xuất của các địa phương, năm nay thống nhất cung cấp đề thi sớm để các sở chủ động trong quá trình in sao đề.
"Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, PAO3 đề nghị ngành giáo dục sớm ban hành quy định về xây dựng ngân hàng câu hỏi, hạn chế tối đa nguy cơ can thiệp dẫn đến lộ đề thi; ban hành quy trình vận chuyển đề thi qua ban cơ yếu chính phủ và tập huấn chuyên sâu về công tác này.
Cạnh đó, ngành cần tập huấn sâu cho cán bộ, giáo viên về các điểm mới liên quan đến đảm bảo an toàn kỳ thi, đặc biệt là việc phát hiện thiết bị công nghệ cao.
Công an địa phương phối hợp với ngành giáo dục để hỗ trợ cho ngành; tăng cường nắm tình hình, nắm bắt từ xa các nguy cơ, chủ động rà soát các hội nhóm để phát hiện các hoạt động mua bán thiết bị cao, tổ chức thi thuê, thi hộ, các đối tượng đăng tải thông tin về lộ đề thi và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm".
Ông TRẦN ĐÌNH CHUNG - Phó Cục trưởng Cục A03, Bộ Công an
NGUYỄN QUYÊN