Thí sinh hoa hậu ví bạch tuộc là biểu tượng phụ nữ, gây tranh cãi vẫn đăng quang

Thí sinh hoa hậu ví bạch tuộc là biểu tượng phụ nữ, gây tranh cãi vẫn đăng quang
6 giờ trướcBài gốc
(Video màn thi ứng xử tại cuộc thi hoa hậu đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Nguốn: Hóng hớt showbiz)
Ứng xử “bạch tuộc là biểu tượng của phụ nữ” gây tranh cãi tại cuộc thi hoa hậu
Đoạn video ghi lại phần thi ứng xử của thí sinh Nguyễn Linh Chi tại đêm chung kết một cuộc thi hoa hậu bất ngờ nhận được sự quan tâm và tranh cãi từ cộng đồng mạng những ngày qua.
Ở vòng ứng xử dành cho Top 5, các thí sinh cùng nhận được câu hỏi chung: "Nếu trở thành sinh vật biển, bạn chọn trở thành sinh vật gì, tại sao?".
Thí sinh trả lời câu hỏi ứng xử và lựa chọn trở thành bạch tuộc. Cô cho rằng, bạch tuộc là biểu tượng của người phụ nữ hiện đại. Màn ứng xử này đang gây nhiều tranh cãi trên MXH. (Ảnh BTC)
Nguyễn Linh Chi lựa chọn loài bạch tuộc và chia sẻ: “Loài sinh vật nào cũng đều có giá trị nhất định riêng. Nếu bắt buộc chọn lựa một loài sinh vật, em xin phép chọn loài bạch tuộc. Bạch tuộc không chỉ nổi bật với những giá trị riêng, sự ngụy trang kỳ diệu mà còn mang giá trị tốt đẹp, giữ cân bằng hệ sinh thái biển.
Đối với em, bạch tuộc là biểu tượng của người phụ nữ hiện đại, thông minh, linh hoạt và biết thích nghi trong kỷ nguyên mà xã hội đang vươn mình mạnh mẽ. Chúng ta không chỉ cần một người phụ nữ có ngoại hình nổi bật mà còn cần vẻ đẹp từ sâu bên trong, nhân cách thật tốt và mang ý nghĩa cho cộng đồng”.
Tuy nhiên, phần trả lời của Linh Chi nhanh chóng tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Một số khán giả nhận xét cô diễn đạt chưa mạch lạc, sử dụng từ ngữ lúng túng, khiến thông điệp trở nên rối rắm và thiếu thuyết phục. Việc lựa chọn hình ảnh bạch tuộc, vốn được cho là một biểu tượng lạ và khó liên tưởng, cũng gây hoang mang và không dễ dàng chinh phục số đông công chúng.
Ở chiều ngược lại, vẫn có ý kiến nhận xét cách liên tưởng mới mẻ của Linh Chi, cho rằng trong một xã hội ngày càng đề cao sự linh hoạt, đa nhiệm, bạch tuộc hoàn toàn có thể là biểu tượng thú vị cho người phụ nữ hiện đại. Vấn đề chủ yếu nằm ở cách diễn đạt thiếu trọn vẹn, dẫn đến hiệu ứng ngược.
Dù gây tranh cãi, Nguyễn Linh Chi vẫn giành được ngôi vị Á hậu 1. Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Hoài Phương Anh, người đăng quang Hoa hậu, nhận được nhiều đánh giá tích cực hơn nhờ phần ứng xử chỉn chu khi chọn hình ảnh rùa biển để gửi gắm thông điệp sống sâu sắc, kiên định và giản dị giữa đại dương.
Thí sinh có câu trả lời gây tranh cãi ở phần thi ứng xử được ngôi vị Á hậu 1. (Ảnh từ TikTok Chum chum)
Với câu hỏi ứng xử: “Nếu trở thành sinh vật biển, bạn chọn sinh vật gì, tại sao?”, có ý kiến cho rằng câu hỏi này không hề vô tri hay vô nghĩa. Ngược lại, nó mở ra không gian sáng tạo để thí sinh thể hiện tư duy hình tượng, khả năng liên tưởng và phong cách cá nhân.
Vấn đề nằm ở cách người trả lời khai thác câu hỏi. Nếu thí sinh chỉ dừng lại ở những liên tưởng ngẫu nhiên, hời hợt hoặc hài hước bề nổi mà không đi tới tận cùng ý nghĩa, câu trả lời dễ rơi vào trạng thái “lố”, thiếu chiều sâu và gây phản cảm hoặc hoang mang cho người nghe.
Ngược lại, nếu biết vận dụng tinh tế, thí sinh hoàn toàn có thể biến câu hỏi này thành một “sân khấu vàng” để truyền tải thông điệp nhân văn, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và khả năng xử lý áp lực vốn là những yếu tố quan trọng mà các cuộc thi sắc đẹp hiện đại đang hướng tới.
Ứng xử là một phần không thể thiếu trong các cuộc thi hoa hậu, và hơn ai hết, nó cần được đầu tư đúng mực để danh hiệu không chỉ đẹp ở chiếc vương miện mà còn đẹp ở chính tư duy và nhân cách người đội vương miện.
Vương miện lấp lánh nhưng niềm tin thì mờ nhạt
Bên cạnh câu chuyện màn thi ứng xử, dư luận cũng đặt dấu hỏi về thực trạng “bùng nổ” các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam trong những năm gần đây. Sự xuất hiện ồ ạt của hàng loạt cuộc thi nhan sắc với quy mô nhỏ, chất lượng không đồng đều và tổ chức vội vàng đã khiến danh hiệu hoa hậu ngày càng bị “bào mòn” cả về giá trị lẫn uy tín.
Nhiều thí sinh được lựa chọn và đào tạo sơ sài, ban giám khảo thiếu tính chuyên môn, hoạt động bên lề chỉ mang tính hình thức khiến không ít cuộc thi trở nên thiếu chuyên nghiệp.
Hệ quả là nhiều người đẹp sau đăng quang lại trở thành nạn nhân của sự hoài nghi từ công chúng, thậm chí bị gán mác “hoa hậu ao làng” hoặc bị nghi ngờ về tính minh bạch của giải thưởng.
Thực trạng này cũng được NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - thẳng thắn chỉ ra tại một tọa đàm Lạm phát hoa hậu trên VietNamNet.
Nam nghệ sĩ cho rằng, hiện nay có hiện tượng “loạn” cuộc thi sắc đẹp và danh xưng hoa hậu, dẫn đến sự nhầm lẫn và hoài nghi trong dư luận. Không ít người đẹp sau đăng quang đã phải đối diện ngay lập tức với những nhận xét như: “Ơ, hoa hậu gì mà mắt trố thế?” hoặc những nghi ngờ về sự thiếu minh bạch của kết quả.
NSND Xuân Bắc cho rằng, hiện nay có hiện tượng “loạn” cuộc thi sắc đẹp và danh xưng hoa hậu, dẫn đến sự nhầm lẫn và hoài nghi trong dư luận. (Ảnh FBNV)
Theo NSND Xuân Bắc, đã đến lúc cần tổ chức lại hệ thống các cuộc thi sắc đẹp trên cả hai phương diện: pháp lý và nhận thức xã hội. Về pháp lý, cần siết chặt quy định cấp phép, đảm bảo tiêu chí rõ ràng và chuyên môn hóa từng cuộc thi. Về nhận thức xã hội, cần tái định hình giá trị thực sự của danh hiệu sắc đẹp, không chỉ dừng lại ở ngoại hình mà còn cần hội tụ trí tuệ, nhân cách và những đóng góp tích cực, bền vững cho cộng đồng.
Minh Huy
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/nguoi-mau-hoa-hau/thi-sinh-hoa-hau-vi-bach-tuoc-la-bieu-tuong-phu-nu-gay-tranh-cai-202507051904293175.html