Thi tốt nghiệp THPT 2025: Không còn 'mưa điểm giỏi'

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Không còn 'mưa điểm giỏi'
13 giờ trướcBài gốc
Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Lê Khánh.
Bất ngờ với điểm 10
Thống kê của Bộ GDĐT, năm nay, cả nước có hơn 15.300 bài thi đạt điểm 10 ở tất cả các môn, trong đó môn Địa lý chiếm gần một nửa. Con số này cao hơn năm ngoái khoảng 4.400 bài. Cụ thể, môn Địa lý dẫn đầu với hơn 6.900 bài thi đạt điểm tuyệt đối, sau đó là môn Vật lý 3.929 bài, Lịch sử 1.518 bài và Giáo dục kinh tế và pháp luật 1.451 bài. Môn Toán gây bất ngờ nhất khi có 513 điểm 10 trong khi năm 2024 không có điểm 10 nào, năm 2023 có 12 điểm 10 dù đề thi năm nay được nhiều thí sinh đánh giá khó. Môn Tiếng Anh cũng có 141 điểm 10 trong khi đề thi được cả nhiều giáo viên, chuyên gia và học sinh nhận định là khó, gây sốc cho thí sinh. Riêng môn Ngữ văn không ghi nhận điểm 10 nào. Điểm trung bình môn Ngữ văn của hơn 1 triệu thí sinh là 7 điểm.
Kỳ thi cũng ghi nhận 936 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống). Đáng chú ý, môn Toán có số lượng thí sinh bị điểm liệt nhiều nhất với 777 trường hợp, gấp 10 lần so với kỳ thi năm 2024. Ngữ văn ở vị trí số 2 với 87 thí sinh bị điểm liệt, tăng 68 em so với năm trước. Phần lớn các môn thi còn lại đều ghi nhận xu hướng giảm về số lượng thí sinh đạt điểm dưới 1 cho thấy một xu hướng rõ nét, ngoài 2 môn bắt buộc theo quy định, các môn thi tự chọn được chọn theo sở trường thì kết quả sẽ có nhiều cải thiện hơn. Như môn Tiếng Anh năm nay chỉ có 28 thí sinh bị điểm liệt - giảm gần 5 lần. Môn Lịch sử ghi nhận 19 em, giảm 20; Địa lý có 13 em, giảm 75 em. Vật lý và Sinh học là 2 môn có số lượng điểm liệt thấp nhất, lần lượt chỉ có 1 và 3 thí sinh. Riêng 4 môn thi mới được đưa vào kỳ thi năm nay gồm Tin học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ Nông nghiệp và Công nghiệp đều không có trường hợp nào bị điểm liệt.
Trước ý kiến về “mưa điểm 10”, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, không nên quá “khắt khe” với số điểm 10, mà cần so sánh trên lượng thí sinh cụ thể dự thi từng môn. Đại diện Bộ GDĐT lấy ví dụ với môn Vật lý có 3929 điểm 10 trên tổng số 347.599 thí sinh tham dự. Như vậy trong khoảng 1.000 thí sinh, có 11 em đạt điểm 10. Con số này là không quá lớn.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định năm 2024, môn Lịch sử có tỷ lệ điểm giỏi rất cao. Ngữ văn có 64% bài thi đạt điểm 7 trở lên, Toán 25%. Vì vậy, “mưa điểm 10” thực ra nên được hiểu theo nghĩa là mưa điểm giỏi sẽ chính xác hơn. Với phổ điểm năm nay, không còn tình trạng “mưa điểm giỏi” dù có nhiều điểm 10 hơn năm 2024. Sự điều chỉnh trong đánh giá, phân loại năm nay là ở điểm này, với sự phân hóa tốt hơn để đảm bảo mục tiêu xét tuyển ĐH trong khi các vẫn đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.
Riêng phổ điểm môn Tiếng Anh nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, PGS.TS Trần Đăng Hưng - Trưởng khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) cho hay, trong quá trình phân tích phổ điểm, môn Tiếng Anh gây bất ngờ khi phổ điểm đẹp nhất trong 12 môn thi, với những chuẩn mực người ra đề kỳ vọng như điểm trung bình là 5,38; điểm trung vị là 5,25 - cho thấy mức độ phân phối điểm cân đối. Phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay đã khắc phục được tình trạng hai đỉnh - điều nhiều năm nay vẫn xảy ra. Điều này phản ánh rõ sự đồng đều hơn về năng lực của học sinh.
Về mặt khảo thí, phổ điểm môn Tiếng Anh được đánh giá là lý tưởng khi không có “đuôi lệch” cực đoan, không có quá nhiều điểm 10, cũng không rơi đáy khi chỉ có 2 bài thi đạt điểm 0 trong tổng số hơn 351.000 bài thi. Để được nhận định là có thiết kế chặt chẽ, kiểm soát tốt phân hóa, đặc biệt ở nhóm điểm cao.
Nhiều ngành, trường giảm 2-3 điểm
Theo phân tích của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, điểm trung bình các môn thi năm nay đều giảm so với năm ngoái, trừ Vật lý. Trong đó, môn Toán giảm nhiều nhất, từ 6,45 xuống 4,78. Phổ điểm từ lệch phải chuyển sang lệch trái. Tiếp đến là môn Hóa, điểm trung bình giảm 0,62, xuống mức 6,06. Riêng môn Vật lý tăng từ 6,67 vào năm ngoái lên mức 6,99. Xét phần bên phải phổ điểm các môn, tỉ lệ điểm giỏi (từ 8 trở lên) giảm mạnh, nhất là Toán và Tiếng Anh. Các năm trước, tỉ lệ điểm giỏi lên đến 20-30%. Từ các yếu tố này, chuyên gia nhận định điểm chuẩn xét tuyển ĐH thấp hơn so với năm ngoái khoảng 2-3 điểm tùy lĩnh vực. Đặc biệt, với tổ hợp có Toán và Tiếng Anh, ông Đức dự đoán điểm chuẩn giảm nhiều trong khi điểm trung bình môn Ngữ văn và Địa lý vẫn tương đối cao nên chênh lệch điểm chuẩn không quá nhiều so với năm ngoái ở tổ hợp C00.
Từ phổ điểm thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) nhận định, đề thi năm nay có nhiều sự thay đổi liên quan đến cấu trúc, cách đặt câu hỏi, dạng thức đề thi. Các bài toán có tính thực tế cao, tiệm cận với việc đánh giá năng lực học sinh, theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phổ điểm năm nay thấy được sự phân loại rõ ràng song điểm trung vị không thay đổi nhiều ở so với năm 2024. Lý do là bài thi vẫn cần đảm bảo yếu tố xét tốt nghiệp cho thí sinh. Ngoài ra, tỉ lệ thí sinh dự thi các môn Khoa học tự nhiên cao, điểm thi ở mức khá, điều này sẽ đảm bảo cho nguồn tuyển sinh cho các ngành STEM.
Thực tế những năm trước điểm chuẩn của không ít khối, ngành được đẩy lên quá cao do có nhiều điểm giỏi dẫn đến các trường khó xét tuyển thí sinh theo đúng năng lực đầu vào. Và khi trình độ đầu vào không đồng đều dù điểm số đạt yêu cầu xét tuyển sẽ kéo theo những bất ổn trong quá trình học tập ở bậc ĐH và ảnh hưởng không nhỏ đến phân bố nhân lực giữa các lĩnh vực ngành nghề và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực trọng điểm. TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) chỉ ra: “Trước đây, đề trắc nghiệm hoàn toàn khiến thí sinh có thể “đánh bừa” mà vẫn được điểm. Nhưng năm nay, đề thi đã có phần yêu cầu tư duy, ứng dụng không thể làm bài nếu không có kiến thức và kỹ năng suy luận. Với cách ra đề mới, thí sinh buộc phải có năng lực thực sự mới đạt được điểm cao, loại bỏ hoàn toàn yếu tố may rủi”.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, phổ điểm năm nay ổn định, không có sự “sốc” như nhiều người lo ngại. Qua đó có thể thấy, học sinh phổ thông đã chuyển trạng thái nhanh, thích ứng tốt với hình thức thi mới. Giáo viên cũng đã thay đổi phương pháp dạy, tập trung hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh thay vì chỉ dạy kiến thức theo khuôn mẫu.
“Kết quả này đủ độ tin cậy để các trường ĐH yên tâm sử dụng trong quá trình tuyển sinh” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Năm nay, sau khi nhận điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể nộp đơn xin phúc khảo từ ngày 16-25/7.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội): Đảm bảo công bằng khi một ngành xét tuyển nhiều tổ hợp
Thí sinh đã biết điểm thi tốt nghiệp cũng như phổ điểm từng môn thi, phổ điểm tổ hợp xét tuyển. Tiếp sau đây, những em có nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH cần lưu ý một số điểm. Đầu tiên, các trường trên cơ sở phổ điểm thi đã công bố sẽ tính toán và đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Thí sinh cần phải xem xét hết các yếu tố từ điểm sàn, điểm chuẩn các năm trước, sau đó là chọn từng lĩnh vực, chọn trường phù hợp với điểm chuẩn, với nguyện vọng của mình và cuối cùng là đăng ký nguyện vọng.
Bên cạnh các điều kiện xét tuyển, thí sinh cũng cần tìm hiểu, cân nhắc về các điều kiện liên quan đến thứ hạng của trường, cơ sở vật chất, cơ hội việc làm, thế mạnh và những cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng với sinh viên trong quá trình học từ phía trường.
Đối với các “ngành hot”, đây là mơ ước của nhiều người nhưng cần phải căn cứ vào điểm chuẩn của mình, điểm sàn, điểm chuẩn tham khảo các năm trước của từng ngành và năng lực của bản thân để quyết định có nên theo đuổi hay không? “Ngành hot” rồi, “lĩnh vực hot” rồi nhưng thí sinh cũng cần chọn trường phù hợp với các điều kiện, sở thích của bản thân.
Để đảm bảo công bằng trong xét tuyển ĐH trong bối cảnh một ngành có thể có nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau, các phương thức xét tuyển khác nhau, năm nay Bộ GDĐT đã lần đầu tiên đưa vào hệ số điều chỉnh. Trước đây, các trường công bố chỉ tiêu theo phương thức nhưng không xác định rõ tỷ lệ phân bổ theo tổ hợp. Năm nay, có quy định về hệ số điều chỉnh là một cải tiến rất đáng ghi nhận. Việc xét tuyển không chỉ theo tổ hợp mà còn có thể theo lĩnh vực gần, sẽ là xu hướng hợp lý trong tương lai.
Thu Hương
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/thi-tot-nghiep-thpt-2025-khong-con-mua-diem-gioi-10310481.html