Thực tế, việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính từng được Bộ GDĐT đề cập từ cách đây khoảng 5 năm, cùng với lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, thi trên máy là xu thế của thế giới. Với hạ tầng CNTT như hiện nay, hoàn toàn có thể tổ chức việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, thậm chí còn có thể làm sớm hơn mốc 2027. Ông Tùng cũng chia sẻ, từ 20 năm trước, sinh viên Trường ĐH FPT đã thi trên máy, sử dụng chính máy tính cá nhân của sinh viên. Dẫu thế, ông Lê Trường Tùng cho rằng, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và dự trù các phương án xảy ra như đường truyền internet, việc hỏng hóc thiết bị, đặc biệt là gian lận thi cử, vì thi trên máy tính phải kết nối mạng.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Hà Nội. Ảnh: Vi Cầm.
Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi phương thức thi trên máy tính là bước đi chiến lược, phản ánh xu thế tất yếu của giáo dục trong kỷ nguyên số. Đơn cử, theo phân tích của TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội): Thi trên máy tính giúp nâng cao tính khách quan, minh bạch, công bằng trong giáo dục. Công nghệ giám sát tiên tiến (nhận diện khuôn mặt, giám sát hành vi, khóa ứng dụng, chống can thiệp ngoại vi...) và trộn đề thi ngẫu nhiên, giúp chống gian lận hiệu quả; thực hiện chấm thi tự động, loại bỏ chủ quan, giảm sai sót, đảm bảo chính xác. Toàn bộ dữ liệu thi được mã hóa, lưu trữ an toàn, giảm rủi ro lộ đề hay sửa điểm.
TS Lê Quang Minh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý, bên cạnh lộ trình đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng CNTT tại các trường học, trang bị máy tính kết nối internet, tạo điều kiện để học sinh thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính, thì việc tổ chức thi trên máy tính đòi hỏi ngân hàng đề phải phong phú, đảm bảo đủ số lượng, tính khoa học, sư phạm, khả năng đánh giá chính xác năng lực người học.
Việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính sẽ mang lại nhiều lợi ích rõ rệt: Chấm thi tự động, hạn chế yếu tố chủ quan, tăng tính minh bạch; tiết kiệm chi phí in ấn, vận chuyển đề thi và nhân lực coi thi; linh hoạt về thời gian tổ chức thi, giảm áp lực tập trung tại một thời điểm cố định; tạo điều kiện phát triển hình thức thi đánh giá năng lực tư duy, xử lý tình huống chứ không chỉ dừng ở mức nhớ kiến thức.
Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng và an toàn, kỳ thi cần có hệ thống giám sát nghiêm ngặt, các phương án phòng ngừa gian lận công nghệ cao, và phương án kỹ thuật dự phòng khi xảy ra sự cố mạng, mất điện… Việc triển khai phải được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tạo ra bất bình đẳng giữa học sinh các vùng miền. Đặc biệt cần phải tiến hành thí điểm ở các địa phương, để học sinh quen với việc sử dụng phần mềm thi thử.
Vi Cầm