Nhìn lại năm 2024, thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh đã chào đón 117.000 m2 diện tích cho thuê mới từ bốn trung tâm thương mại (TTTM): Central Premium và Parc Mall ở quận 8, Vincom Megamall Grandpark ở quận 9 và Vincom 3/2 ở quận 10. Tất cả đều khai trương với tỷ lệ lấp đầy gần 100%. Điều này dẫn đến mức hấp thụ ròng cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh, với 132.000 m2 và tỷ lệ trống trung bình giảm từ 9% xuống 7%.
Trong năm nay, CBRE ghi nhận sự gia tăng trong số lượng giao dịch nhờ vào hoạt động mở rộng của nhóm ngành F&B, chiếm 45% tổng số giao dịch, tiếp theo là thời trang & phụ kiện. Cùng với sự mở rộng mạnh mẽ của các thương hiệu hiện có, xu hướng các thương hiệu Trung Quốc thâm nhập vào thị trường quốc tế, với sự hiện diện ngày càng tăng tại Việt Nam thời gian gần đây, như: KKC, Semir, Chagee, Xiaoyu, Songmont, Urban Revivo...
Các tập đoàn nội địa như: Thái Tuấn, Ther Gab, hoặc Golden Gate tiếp tục nổi lên và mở rộng. Tập đoàn Thái Tuấn gần đây đã ra mắt thương hiệu Cao Minh 1948, cửa hàng Rene Caovilla Boutique đầu tiên, cửa hàng đầu tiên của Kiton và cửa hàng đầu tiên của Primadonna Collection tại Việt Nam.
Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm từ một số thương hiệu ngách. Ảnh minh họa.
Nhìn chung, không gian có sẵn tại các khu vực trung tâm (CBD) vẫn rất hạn chế ở cả hai thành phố, góp phần hỗ trợ cho mức tăng trưởng giá thuê tại khu vực này lến tới 10 - 11% CAGR. Các TTTM ở khu vực trung tâm chỉ chiếm 12% tổng nguồn cung tại TP. Hồ Chí Minh và 4% tại Hà Nội.
Giá thuê trung bình ở các khu vực Trung tâm đạt gần 280 USD/m2/tháng tại TP. Hồ Chí Minh và 173 USD/m2/tháng tại Hà Nội, đánh dấu mức tăng 15,4% so với năm trước. Giá thuê ngoài khu vực Trung tâm ở cả 2 thành phố ghi nhận mức tăng hàng năm là 4% với 53 USD/m2/tháng tại TP. Hồ Chí Minh và 10,1% với 37,3 USD/m2/tháng tại Hà Nội.
Theo Euromonitor, doanh thu bán lẻ hàng hóa không phải thực phẩm tại Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 12,6% từ năm 2024 đến 2027. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng của mỗi hộ gia đình ở Việt Nam cũng dự kiến sẽ tăng 38% vào năm 2028. Nhiều cơ hội hứa hẹn cho thị trường bản lẻ Việt Nam đang hiện hữu trong tương lai, nhưng điều quan trọng là xác định cách tiếp cận chính xác để thu hút người tiêu dùng. Ngày nay, khách hàng cảm thấy mệt mỏi với các TTTM khuôn mẫu. Các chủ đầu tư cần đảm bảo rằng các TTTM được nâng cấp và cải tạo để phản ánh vị trí và sản phẩm độc đáo của họ.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc CBRE Việt Nam: "Các thương hiệu trong nước và nước ngoài đang đều đặn mở rộng tại các quận trọng điểm, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt cho các vị trí đắc địa giữa lúc thiếu hụt nguồn cung chất lượng".
Bà Mai Võ - Trưởng bộ phận Dịch vụ bán lẻ tại CBRE Việt Nam, bổ sung, mặc dù doanh số bán hàng của các thương hiệu cao cấp sụt giảm, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ một số thương hiệu ngách đang nhắm đến việc mở cửa hàng vào năm 2025-2026. Dù tâm lý hiện tại ở Trung Quốc và khu vực APAC nói chung có phần trầm lắng, một số lượng lớn các thương hiệu Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội mở rộng ra nước ngoài, với Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng để mở rộng mạng lưới cửa hàng của họ.
Bà Mai Võ đưa ra lưu ý, cả các chủ đầu tư và khách thuê nên đưa ra quyết định hợp lý để đảm bảo vị trí và lên kế hoạch trong ít nhất 12 đến 18 tháng trước ngày khai trương cửa hàng do thời gian chuẩn bị dài là cần thiết nhằm đảm bảo vị trí phù hợp.
Lạc Nguyên