Thị trường bất động sản năm 2025: Dư địa lớn, triển vọng sáng

Thị trường bất động sản năm 2025: Dư địa lớn, triển vọng sáng
15 giờ trướcBài gốc
Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong năm 2025. Ảnh minh họa: INT
Nhiều “nút thắt” thể chế được “cởi trói”, gỡ vướng…, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển.
“Hút” vốn FDI
Báo cáo tại Hội nghị “Bất động sản Việt Nam 2024 - một năm nhìn lại”, Avison Young Việt Nam (Công ty BĐS Thương mại Toàn Cầu) cho biết, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 11 tháng của năm 2024 đạt khoảng 31,38 tỷ USD.
Giao dịch và giá bán, thị trường BĐS ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap, thị trường BĐS tại Hà Nội và TPHCM trong 3 quý vừa qua ghi nhận 23.900 căn hộ sơ cấp được giao dịch, tăng 28% so với tổng số giao dịch của cả năm 2023. Nguồn cung mới cũng có sự tăng trưởng 11%, đạt 20.900 căn. Hà Nội hiện đang chiếm ưu thế với 85% tổng số giao dịch và 91% nguồn cung mới tại hai thị trường lớn này.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, dù nền kinh tế thế giới gặp khó khăn chung, nhưng dòng vốn FDI đổ vào BĐS Việt Nam có tín hiệu tích cực.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào các dự án BĐS đầu tư đã được phê duyệt, cấp phép. Tổng vốn FDI thực tại vào Việt Nam 11 tháng của năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI đăng ký trong 11 tháng qua vào BĐS tăng đến 89,1% so với cùng kỳ, đạt khoảng 5,63 tỷ USD. Số liệu này minh chứng thị trường BĐS Việt Nam đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Dự kiến, cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực tại Việt Nam sẽ cao hơn năm 2023 và đạt kỷ lục giai đoạn 2019 - 2024.
“Những thay đổi to lớn trong năm 2024 về chính sách, xu hướng đầu tư hay bối cảnh kinh doanh là cơ sở để chúng ta tiếp tục giữ tầm nhìn lạc quan về thị trường BĐS Việt Nam. Khi các tín hiệu tích cực xuất hiện rõ hơn là lúc tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới”, ông David Jackson - Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam nhận định.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nhận định, thị trường BĐS hiện nay đã có nhiều điểm thay đổi tích cực hơn so với trước. Dẫn chứng, kinh tế vĩ mô đã bước vào thời kỳ ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ… trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Các vướng mắc về pháp lý đã dần được tháo gỡ, thể chế được hoàn thiện và có hiệu lực; nhiều nghị định, chính sách được ban hành; quy hoạch được hoàn thiện... Theo ông Lực, đây là những cơ sở pháp lý thuận lợi để thị trường BĐS bước vào giai đoạn mới và phục hồi theo hướng bền vững, tăng trưởng trong thời gian tới.
Các chuyên gia kinh tế dự đoán, sau sự kiện ký kết hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Tập đoàn Công nghệ Nvidia mới đây, lễ ký kết những bản hợp đồng lên đến nhiều tỷ USD về công nghệ… đã tạo làn sóng về phát triển BĐS công nghiệp công nghệ cao tại các khu quy hoạch. Các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tham gia vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu theo Luật Viễn thông mới.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp BĐS là: Cần có cơ cấu, sắp xếp lại, tập trung hơn vào các lĩnh vực có thế mạnh, kiểm soát dòng tiền, lãi suất, nợ đáo hạn… để tránh rủi ro.
Bất động sản nghỉ dưỡng đang nhận được sự quan tâm, có dư địa lớn cùng triển vọng sáng. Ảnh minh họa: INT
Kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Năm 2024, thị trường BĐS được xem như đã cởi bỏ một số vướng mắc khi các luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành tháng 1/2025...
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), năm 2025 kỳ vọng tăng trưởng mạnh. Theo TS Đính, thị trường BĐS đã phát triển rất mạnh, quý sau cao hơn quý trước, giá BĐS bùng phát với nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu cao nhưng bị “nén” trong thời gian dài vì thiếu nguồn cung. Chính vì vậy, khi các dự án được tung ra thị trường, hoạt động đầu tư bùng phát, cung ít trong khi cầu cao đã dẫn đến giá BĐS tăng vọt.
“Thị trường BĐS đang có xu hướng rất tốt, thúc đẩy năm 2025 tăng trưởng mạnh hơn so với 2024, đặc biệt là thể chế được đưa ra nhiều hướng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, cởi trói nhiều dự án, góp phần gia tăng nguồn cung, giảm áp lực cung cầu”, TS Nguyễn Văn Đính cho biết.
TS Đính phân tích thêm, có 6 yếu tố tác động đến thị trường BĐS bao gồm: Thể chế, kinh tế vĩ mô, hệ thống quy hoạch, hạ tầng cơ sở, tài chính (nguồn vốn, chính sách tài chính), thị trường (cung cầu, giá cả biến động) và thông tin thị trường.
Năm 2025, dự kiến sẽ có hàng loạt dự án đầu tư công phát triển hệ thống cơ sở cùng tốc độ đô thị hóa sẽ là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển mạnh. Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ linh hoạt. Các chính sách tiền tệ, tài khóa, trái phiếu bất động sản… đã được xử lý và tiếp tục ổn định. Đây là những yếu tố “trợ lực” cho thị trường BĐS phát triển trong năm tiếp theo.
Đối với quy hoạch, đô thị hóa và cơ sở hạ tầng sẽ không còn tình trạng mạnh đâu phát triển đấy mà có quy hoạch chung, đồng bộ, có định hướng đúng mục tiêu, mục đích.
Nhận định về BĐS nghỉ dưỡng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, thị trường đang có động thái tích cực, hấp dẫn, dư địa quan tâm nhiều hơn. Bởi, du lịch Việt Nam đang phát triển, thu hút khách ngày một đông, có tiềm năng dư địa để phát triển BĐS du lịch.
“Tôi tin tưởng và kỳ vọng trong năm 2025 tới, cùng với Đề án 06 và công nghệ số, việc kiểm soát thị trường và cung cấp thông tin tốt hơn, thị trường BĐS sẽ phát triển. Đặc biệt là thị trường BĐS nghỉ dưỡng có dư địa lớn cùng triển vọng sáng”, ông Đính nhấn mạnh và cho rằng, cần phải sớm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư rót vốn vào dự án. Tránh trường hợp thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện sẽ ảnh hưởng đến phát triển dự án…
“Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và dự án. Hơn nữa, nền kinh tế vĩ mô cũng có những chuyển biến tích cực, tạo động lực cho thị trường BĐS. Lịch sử các chu kỳ BĐS cho thấy, khi nền kinh tế chuyển từ giai đoạn phục hồi sang tăng trưởng, thị trường BĐS thường sẽ sôi động trở lại với giá cả và giao dịch tăng lên”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định.
Nguyên Khôi
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/thi-truong-bat-dong-san-nam-2025-du-dia-lon-trien-vong-sang-post712827.html