Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã bước qua thời kỳ trầm lắng

Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã bước qua thời kỳ trầm lắng
4 ngày trướcBài gốc
Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã bước qua thời kỳ trầm lắng.
Thị trường tăng trưởng trở lại
Theo số liệu từ UBND TP. Hồ Chí Minh, đến quý II/2024, tăng trưởng ngành Bất động sản là +2,94% (so với 6 tháng cùng kỳ năm 2023: tăng trưởng âm đến -11,58%); doanh thu kinh doanh bất động sản 9 tháng năm 2024 ước đạt 199.156 tỷ đồng, chiếm 60,3% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 6,7% so với cùng kỳ. 9 tháng qua cũng ghi nhận số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được cấp phép thành lập là 1.051 đơn vị và vốn đăng ký đạt 40.137 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý III/2024, TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư với 3 dự án (1 dự án nhà ở xã hội, 2 dự án nhà ở thương mại) với tổng diện tích 208.808,6 m2 và tổng mức đầu tư 8.806 tỷ đồng. Đồng thời, xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở thương mại hình thành trong tương lai đối với 4 dự án, với 1.611 căn nhà (trong đó có 678 căn chung cư và 44 căn nhà thấp tầng), có tổng diện tích sàn là 189.102 m2, thuộc phân khúc cao cấp, các dự án gồm: Dự án khu nhà ở thấp tầng Thăng Long do CTCP Địa ốc Thăng Long làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở Tâm Lực do CTCP Bất động sản Tâm Lực làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở Công ty Đông Nam (Lô J5) do CTCP Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Đông Nam làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở cao tầng tại phân khu 13 (tên thương mại là Celesta Rise) do CTCP Đầu tư địa ốc Phú Lộc làm chủ đầu tư.
Dự án Khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng (điều chỉnh tiến độ) của CTCP Gumaland. Ảnh: Lý Tuấn
Đánh giá về thị trường bất động sản, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã dần phục hồi, từ mức âm trong năm 2023 đã tăng trưởng dương trở lại từ đầu năm 2024. Tốc độ tăng trưởng còn chậm nhưng đã có tín hiệu tích cực.
Một số dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư và một số dự án cũ được tái khởi động nhờ được tháo gỡ khó khăn, cụ thể: 9 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh đã có 12 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư (trong đó, có 1 dự án nhà ở xã hội).
2 dự án được cấp phép xây dựng; hơn 31.000 căn hộ thương mại đang xây dựng; 1.611 căn hộ hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn và có 3 dự án nhà ở xã hội xây dựng hoàn thành với 2.122 căn hộ.
“Dự báo 3 tháng cuối năm, thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi nhưng diễn biến chậm, chưa có đột phá. Giá cả có thể tăng nhẹ ở một số phân khúc do có sự điều tiết của giá đất TP. Hồ Chí Minh khi được ban hành, nhưng sẽ không có biến động mạnh. Nguồn cung mới sẽ dần được bổ sung góp phần tăng lượng giao dịch trong 3 tháng cuối năm”, UBND TP. Hồ Chí Minh thông tin.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, phân khúc căn hộ chung cư vẫn được đánh giá là tiềm năng nhất do nguồn cung tăng chậm và nhu cầu cao. Các chính sách mới về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 sẽ tác động tích cực đến thị trường trong thời gian tới.
Tháo gỡ vướng mắc cho hàng loạt dự án
Chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang ra sức chỉ đạo, áp dụng các giải pháp phối hợp liên ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của từng dự án; các chính sách tín dụng phát huy được hiệu quả, lãi suất cho vay giảm, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nhiều giải pháp chủ động thay đổi phương thức hoạt động, cơ cấu lại danh mục đầu tư… hứa hẹn thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh thời gian tới sẽ sôi động và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư phát triển nhà ở.
Đối với các dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, tiếp tục giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Tổ phó Tổ công tác, chủ trì giải quyết, tổng hợp đề xuất giải quyết định kỳ hàng quý đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và nhóm dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến, các dự án đầu tư khác trên địa bàn do các Sở, ngành báo cáo đề xuất.
Cùng với đó, rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng; xử lý các bất cập, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm khơi thông các điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư trên địa bàn.
Ngoài ra, kiến nghị các cơ quan có liên quan giải quyết các vấn đề khó khăn vượt thẩm quyền và giải quyết các vấn đề cụ thể khác theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ khi thành lập đến nay (tháng 5/2023), Tổ công tác của TP. Hồ Chí Minh đã triển khai họp 10 cuộc họp và ban hành 15 thông báo kết luận, xem xét giải quyết cho 30 dự án. Trong đó, 8 dự án đã được giải quyết hoàn toàn, 22 dự án có vướng mắc hiện đang được các sở, ngành, TP. Thủ Đức tiếp tục tham mưu xử lý theo quy định.
Lý Tuấn
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-bat-dong-san-tp-ho-chi-minh-da-buoc-qua-thoi-ky-tram-lang.html