Tuần qua, chỉ số VN-Index đã có nhiều phiên tăng điểm liên tục, trở lại vùng đỉnh trước thời điểm công bố thuế quan, trong khi các cuộc đàm phán thuế quan vẫn ở phía trước. Điều này tiếp tục đặt nhà đầu tư vào những lựa chọn khó khăn trong việc tái cơ cấu danh mục.
*Dòng tiền xoay quanh các cổ phiếu trụ
Thị trường chứng khoán đã có những phiên tăng điểm tích cực trong tuần giao dịch qua (từ 19 -23/5) và vùng 1.320 -1.325 điểm trở thành ngưỡng kháng cự ngắn hạn của VN-Index, trong khi mốc 1.300 điểm đóng vai trò hỗ trợ. Dòng tiền tuần qua chủ yếu xoay quanh các cổ phiếu trụ cột và một số ít các cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ mạnh.
Dao động của chỉ số VN-Index tuần qua chịu ảnh hưởng rất lớn từ những mã cổ phiếu "họ Vin” là VIC, VHM, VPL và VRE. Khi đà tăng của những cổ phiếu này suy yếu và điều chỉnh đã lập tức tác động tiêu cực lên chỉ số VN-Index, do không có nhóm mã cổ phiếu nào thay thế dẫn dắt thị trường.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Ảnh: Văn Giáp/Bnews/Vnanet.vn
Giới phân tích nhìn nhận, thuế quan của Mỹ vẫn là yếu tố chi phối lớn xu hướng vận động của thị trường chứng khoán. Đà tăng của thị trường gần đây được thúc đẩy nhờ sự lạc quan về các tiến trình đàm phán. Trường hợp kết quả đàm phán diễn biến theo chiều hướng bất lợi, áp lực bán khả năng quay lại.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT (VNDRECT), sau khi lùi về vùng hỗ trợ 1.290-1.300 điểm trong phiên thứ hai, chỉ số VN-Index đã có xu hướng phục hồi tích cực trong hai phiên giữa tuần. Đà phục hồi được dẫn dắt bởi tín hiệu tích cực trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.Theo đó, kết thúc vòng đàm phán thứ hai, Việt Nam và Mỹ đã đạt một số tiến bộ tích cực, xác định các nhóm vấn đề đạt được đồng thuận và các nhóm vấn đề cần tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất trong thời gian tới.
Hai bên cũng chỉ ra những nội dung cần được tiếp tục đàm phán trong vòng đàm phán thứ ba vào đầu tháng 6 tới. Động thái này làm dấy lên kỳ vọng rằng Việt Nam có thể đạt được một thỏa thuận thương mại về thuế đối ứng có lợi hơn trong vòng 45 ngày sắp tới.
Bên cạnh đó, thị trường còn được hỗ trợ bởi đà tăng của nhóm cổ phiếu họ Vingroup sau một loạt thông tin tích cực bao gồm Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất xây đường sắt tốc độ cao của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed, thuộc Tập đoàn Vingroup và dự án cầu Tứ Liên chính thức được khởi công giúp cải thiện hạ tầng kết nối giữa dự án Vin Global Gate Cổ Loa với nội đô.Đà tăng chỉ hạ nhiệt trong hai phiên cuối tuần khi áp lực chốt lời quay trở lại tại vùng kháng cự 1.320-1.340 điểm. Chốt tuần giao dịch, VN-Index tăng tổng cộng 1,4% lên mức 1.314,5 điểm.
Tuần tới, vùng kháng cự 1.320-1.340 vẫn là thử thách lớn, khi đây là vùng đỉnh từ đầu năm. Thị trường đang bước vào giai đoạn “vùng trống” thông tin hỗ trợ sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I và đại hội cổ đông 2025. Với vòng đàm phán thương mại Việt Nam-Mỹ diễn ra đầu tháng 6, VN-Index có thể đi ngang trong vùng 1.290-1.340 để hấp thụ lực cung chốt lời, chờ tín hiệu mới, VNDIRECT nhận định.
Theo VNDIRECT, nhà đầu tư ngắn hạn cần chuyển sang trạng thái “thận trọng”, duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý và hạn chế mua mới với các mã đã tăng nóng. Về trung-dài hạn, công ty chứng khoán này kỳ vọng các chính sách đột phá về thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân từ Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 198/2025/QH15 về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân do Quốc hội ban hành sẽ thúc đẩy cải cách sâu rộng, giúp cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đây sẽ là động lực lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn.Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), VN-Index khởi đầu tuần mới ảm đạm với dư âm giảm điểm kéo dài từ phiên giao dịch cuối tuần trước. Tuy nhiên, sự bứt phá của bộ đôi “họ Vin” là VIC và VHM cùng sự luân phiên tăng điểm của một số nhóm ngành riêng lẻ đã giúp thị trường lấy lại sự tích cực trong hai phiên giao dịch tiếp theo và chạm trở lại vùng giá 1.330 điểm - vùng cân bằng của thị trường trước khi thông tin về thuế đối ứng được công bố.Tuy nhiên, niềm vui của nhà đầu tư không được dài lâu khi lượng cung xuất hiện bất ngờ, kéo chỉ số “rơi tự do”18 điểm chỉ trong buổi chiều của phiên giao dịch thứ Tư trong tuần.Phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số “giằng co” biên độ hẹp quanh vùng giá 1.315 điểm, với thanh khoản thấp.Theo CSI, tuần qua, điểm số tiếp tục cải thiện tích cực cùng với việc thanh khoản khớp lệnh có yếu tố tương đương so với tuần trước và cao hơn 25,9% so với mức bình quân 20 tuần, cho thấy tâm lý giao dịch tiếp tục duy trì sự hưng phấn nhất định.Do yếu tố tăng điểm cục bộ từ một số mã cổ phiếu trụ, chỉ số cải thiện tích cực tuy nhiên độ mở thị trường cân bằng với chỉ 10/21 nhóm ngành tăng điểm. Cổ phiếu ngành bất động sản tăng 12,56%, hàng không tăng 5,68% và nhựa tăng 1,99%, là ba nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất tuần. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành công nghệ viễn thông giảm 4,24%, hóa chất giảm 3,61% và bất động sản khu công nghiệp giảm 2,5% là ba nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất.Khối ngoại quay trở lại bán ròng trong tuần qua, với 561 tỷ đồng; trong đó, tập trung bán ròng ở các mã cổ phiếu như: VHM (1.176 tỷ đồng), FPT (678 tỷ đồng) và VRE (252 tỷ đồng).CSI cho rằng, trong trường hợp các cổ phiếu bluechip (cổ phiếu của một công ty có độ uy tín cao, tình hình tài chính vững chắc và giá trị vốn hóa thị trường lớn) không còn dư địa “gồng gánh” thị trường, nhiều khả năng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh và tích lũy để hình thành xu hướng tiếp theo.Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng trên hỗ trợ gần nhất 1.300 điểm. Áp lực bán đã gia tăng mạnh hơn khi VN-Index gặp vùng đỉnh cũ, giá cao nhất tháng 3/2025.Trong phiên cuối tuần, thanh khoản giảm khá mạnh với áp lực cung vùng giá cao gia tăng, lực cầu giá lên giảm khá mạnh, cho thấy tâm lý trở nên thận trọng hơn khi VN-Index đã có giai đoạn tăng giá tốt dưới ảnh hưởng của VN30 và nhóm cổ phiếu Vingroup. Ngắn hạn, VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.300 điểm.Theo SHS, thị trường đang phục hồi trở lại vùng giá trước thời điểm công bố thuế quan. Kết quả đàm phán thương mại như thế nào thì mức thuế quan cũng sẽ được áp đặt, ảnh hướng đến các cân đối vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.Hiện tại nhiều mã vẫn có vùng giá tương đối hợp lý so với các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, nhưng chỉ số VN-Index đã lại vùng giá đỉnh cũ 1.320-1.340 điểm. Do đó, các vị thể giải ngân cần chọn lọc cẩn trọng, phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng, SHS khuyến nghị.Thực tế cho thấy, dù tính chung cả tuần thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng điểm, nhưng những trở ngại đã xuất hiện trở lại khi điểm số "chững” lại, thanh khoản giảm sâu trong phiên cuối tuần. Diễn biến không mấy tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh chứng khoán thế giới đi xuống.* Phố Wall chao đảo trước nguy cơ Mỹ áp thuế 50% lên EU
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận một tuần giảm điểm sau khi Tổng thống Donald Trump đề xuất áp thuế 50% lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,47%, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 2,61% và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 2,48%.Trước đó, khép lại phiên giao dịch cuối tuần 23/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,61% xuống 41.603,07 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,67% xuống 5.802,82 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1% xuống 18.737,21 điểm.
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ, ngày 3/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN phát
Cổ phiếu công nghệ, dịch vụ truyền thông và hàng tiêu dùng không thiết yếu là những nhóm ngành giảm mạnh nhất trong số 11 lĩnh vực của chỉ số S&P 500. Ngược lại, cổ phiếu những ngành dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu và năng lượng lại tăng điểm.
Phiên này, cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Apple (Mỹ) chạm mức thấp nhất trong hai tuần và đóng cửa giảm 3%, sau khi ông Trump cảnh báo nhà sản xuất iPhone này có thể phải đối mặt với mức thuế 25% đối với điện thoại bán cho khách hàng Mỹ nhưng không được sản xuất trong nước.Trước đó, Cơ quan Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy xuất khẩu điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 4/2025 đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2024, trong bối cảnh xảy ra tranh chấp thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.Các lô hàng điện thoại iPhone của Apple và điện thoại thông minh khác từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đạt tổng cộng 688,5 triệu USD vào tháng 4/2025, đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 2011.Ông James St. Aubin, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Ocean Park Asset Management ở Santa Monica, California, cho biết với các động thái nói trên, ông Trump đã làm nóng lại cuộc chiến thuế quan với Liên minh châu Âu (EU). Theo ông, thị trường từng hy vọng rằng những điều tồi tệ nhất về vấn đề thuế quan đã qua, nhưng thực tế vẫn còn những “tàn lửa âm ỉ".Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, Tổng thống Trump cho rằng các đề nghị thương mại của EU không đủ chất lượng. Ông cũng hy vọng rằng nguy cơ áp thuế mới sẽ thúc đẩy EU hành động trong các cuộc đàm phán.Chỉ số biến động CBOE (VIX), thước đo "nỗi sợ hãi" của Phố Wall, đạt mức cao nhất trong hơn hai tuần và đóng cửa tăng 10%.
Văn Giáp/Bnews/Vnanet.vn