Chỉ số của sàn HoSE có thể chỉ giằng co trong giai đoạn những tháng đầu năm. Ảnh tư liệu
Quý I trầm lắng của thị trường chứng khoán
Chứng khoán vừa trải qua nửa đầu tháng 1/2025 với nhiều biến động, nghiêng nhiều hơn về sắc đỏ. VN-Index kết thúc năm 2024 ở mức trên 1.266 điểm, nhưng đã giảm về gần vùng 1.220 điểm trong phiên giao dịch ngày 13/01, trước khi tăng nhẹ trở lại trong hai phiên gần đây. Nếu tháng 1/2024 ghi nhận đà tăng của chứng khoán, với VN-Index có thêm khoảng 5%, chỉ số của sàn HoSE khởi đầu năm 2025 hiện giảm khoảng 4%.
Đi cùng với sắc đỏ của chỉ số là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu, sự thận trọng của nhà đầu tư, biểu hiện qua khối lượng giao dịch liên tục giảm.
Trên sàn HoSE, khối lượng giao dịch bình quân phiên chỉ còn ngưỡng 300-400 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch khoảng 10.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều phiên chỉ đạt 7.000-8.000 tỷ - mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Con số này thậm chí chưa tới một nửa những phiên giao dịch bùng nổ trong tháng đầu năm 2024.
"Tôi nghĩ thị trường khó có thể tăng được 8,49% trong quý I như dữ liệu lịch sử. Thông thường, tháng 1 thường là giai đoạn tích cực nhất, theo thống kê là tăng đến 5%. Tuy nhiên, đến nay tháng 1 chúng ta đã giảm 4% và đang ở xa vạch xuất phát khá nhiều" - ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận xét.
Trong lịch sử 26 năm của chứng khoán Việt Nam, khi tháng 1 giảm điểm, thị trường thường sẽ có một năm khó khăn. Còn nếu tháng 1 xấu và tháng 2 tích cực, thị trường có thể biến động khởi sắc hơn trong giai đoạn còn lại của năm.
Theo các chuyên gia, sự thận trọng của nhà đầu tư hiện tại xoay quanh ba nguyên nhân chính, là diễn biến tỷ giá kém thuận lợi, tâm lý chờ đợi những chính sách mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức và tâm lý trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Chỉ số USD Dollar Index - đo lường sức mạnh của đồng USD với rổ các loại tiền tệ khác - lập đỉnh gần 110 điểm ngày 13/1, tăng khoảng 10% so với mức đáy giữa năm 2024. Lo ngại áp lực tỷ giá, cùng khả năng lãi suất tăng để cân bằng thị trường, khiến nhà đầu tư thêm thận trọng.
Chờ đợi đà tích cực từ quý II
Với câu chuyện Tổng thống Donald Trump, Goldman Sachs vừa chia sẻ quan điểm mới rằng dù ông Trump tuyên bố áp thuế 60% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng với việc lợi suất trái phiếu Mỹ hiện lên đến 5%, lạm phát có khả năng quay trở lại, sức ép về lạm phát đang lớn hơn vấn đề thương mại.
Theo chuyên gia từ VPBankS, khi lạm phát trở lại, chính sách thương mại, thuế quan của ông Trump sẽ không sâu và mạnh như dự kiến. VPBankS kỳ vọng vào ngày nhậm chức, ông Trump sẽ ký tăng thuế, nhưng ở mức 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và chỉ một số mặt hàng mới đạt 60%. Khi ông Trump thay đổi quan điểm, thị trường quốc tế cũng sẽ phản ứng, và nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường vẫn tích cực vào năm 2025.
"Đó là lý do vì sao tôi chờ đợi đến tận những ngày cận Tết Nguyên đán. Khi tất cả đã chán nản, trở về nhà mua bánh chưng, cành đào thì chúng ta ở lại mua cổ phiếu và rất có thể đạt lợi nhuận tích cực, có 'lì xì' cho năm mới" - ông Việt Đức đánh giá.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, chỉ số của sàn HoSE có thể chỉ giằng co trong giai đoạn những tháng đầu năm khi các yếu tố bất định vẫn chi phối thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
Yếu tố khó lường khi ông Donald Trump sắp bước vào Nhà Trắng, tỷ giá ở hầu hết các thị trường vẫn căng thẳng. Nhà đầu tư nước ngoài có thể không bán mạnh như năm 2024, nhưng lực bán vẫn là một trong những yếu tố kìm hãm đà tăng của VN-Index.
Theo chuyên gia này, thị trường có thể tích cực hơn khi câu chuyện nâng hạng dần trở thành hiện thực. Sự đón đầu của dòng vốn ngoại (thường mua ròng mạnh hơn trong ba tháng trước khi thị trường được nâng hạng), cùng những nền tảng vĩ mô tích cực hơn có thể giúp dòng tiền trở lại trong năm nay, giúp thị trường đạt mức cao hơn.
"Kết hợp với yếu tố nâng hạng, nền tảng vĩ mô cùng dự báo lợi nhuận tích cực của nhóm doanh nghiệp niêm yết, quý III và quý IV sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn" - ông Minh nhận xét.
Nhiều cơ sở để tỷ giá ổn định năm 2025
Trong báo cáo mới công bố, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500-25.800 VND/USD trong quý I/2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND, như thặng dư thương mại tích cực ( khoảng 24,77 tỷ USD trong năm 2024), dòng vốn FDI (25,35 tỷ USD) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (tăng 39,5% trong năm 2024).
"Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025", nhóm phân tích nhận xét.
Minh Tuấn